Doanh nghiệp dầu khí "ngược dòng" vượt khủng hoảng kép

(HQ Online) - Năm 2020, khủng hoảng kép của đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN dầu khí. Tuy nhiên, nhờ sự hồi phục từ nền kinh tế, kết quả kinh doanh của các DN ngành này vẫn rất "sáng".
Doanh nghiệp dầu khí trước khó khăn kép
Doanh nghiệp dầu khí 'gồng mình' chống đỡ giá dầu lao đốc
Doanh nghiệp dầu khí đã thực sự quan tâm đến hoạt động cổ đông?
DN dầu khi vẫn tìm nhiều giải pháp để đạt kết quả kinh doanh khả quan.  	Ảnh: Petrovietnam cung cấp
DN dầu khi vẫn tìm nhiều giải pháp để đạt kết quả kinh doanh khả quan. Ảnh: Petrovietnam cung cấp

Nỗ lực “ngược dòng”

Theo các DN dầu khí, 2020 là năm đặc biệt khó khăn, khi vừa phải ứng phó với dịch bệnh vừa phải ứng phó với suy giảm giá dầu thô chưa từng có trong lịch sử giao dịch dầu khí, với giá dầu xuống thấp kỷ lục trong gần 20 năm trở lại đây. Đặc biệt lần đầu tiên trong lịch sử dầu khí thế giới, thời điểm ngày 20/4/2020, giá dầu WTI xuống mức âm 37,6 USD/thùng. Bình quân 11 tháng năm 2020, giá dầu đạt 43,8 USD/thùng, thấp hơn rất nhiều so với giá kế hoạch là 60 USD/thùng. Vì thế, trên thị trường thế giới, tính đến hết quý 3/2020, các tập đoàn dầu mỏ lớn như: Shell, BP, Chevron... đều ghi nhận các khoản thua lỗ tới hàng chục tỷ USD.

Tại Việt Nam, sức ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được giảm bớt so với nhiều quốc gia khác, nhưng giá dầu xuống thấp cũng khiến không ít DN gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực “ngược dòng” nên trải qua gần hết năm 2020, tình hình kinh doanh của DN ngành dầu khí lại “sáng” hơn.

Ban lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cho biết, tính chung 11 tháng năm 2020, các chỉ tiêu về sản lượng khai thác dầu thô, sản xuất đạm, xăng dầu cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Doanh thu lũy kế toàn Tập đoàn 11 tháng ước đạt 508,9 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn ước đạt 66 nghìn tỷ đồng.

Hoạt động khai thác dầu khí của Petrovietnam đã được tối ưu ở mức phù hợp với điều kiện kỹ thuật; tiết giảm tối đa, duy trì chi phí vận hành… dẫn đến sản lượng khai thác dầu thô của Tập đoàn đã về đích trước 25 ngày (đạt 10,62 triệu tấn vào ngày 5/12/2020). Dự kiến cả năm, sản lượng khai thác dầu trong nước đạt 9,65 triệu tấn, vượt 9,25%; sản lượng khai thác dầu ở nước ngoài đạt 1,82 triệu tấn, vượt 1,31%; tổng sản lượng dầu thô trong và ngoài nước ước đạt 11,47 triệu tấn, vượt 7,9%.

Với các đơn vị thành viên của Petrovietnam, kết quả kinh doanh cũng rất khả quan. Theo báo cáo của Petrovietnam, trong tháng 11/2020, Tập đoàn có 17 đơn vị thành viên đạt kết quả sản xuất kinh doanh có lãi và tính đến hết tháng 11/2020, đã có 10 đơn vị trong Tập đoàn không chỉ về đích sớm mà còn vượt chỉ tiêu lợi nhuận, đạt từ 105% đến 935% kế hoạch cả năm.

Đơn cử, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó trong tất cả các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh. Kết thúc tháng 11/2020, Vietsovpetro đã cơ bản hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch khai thác và sản xuất đề ra. Dự kiến đến hết 2020, Viesovpetro sẽ hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất chủ yếu, như: Sản lượng khai thác dầu là 3.420,9 nghìn tấn (đạt 109,4% kế hoạch); khí thiên nhiên đạt 77,2 triệu m3 (109,6% kế hoạch); cung cấp về bờ hơn 1,2 tỷ m3 khí, trong đó từ Lô 09-1 đạt gần 228 triệu mЗ (151,4% kế hoạch). Tổng nộp ngân sách nhà nước và lợi nhuận hai phía Việt – Nga năm 2020 dự kiến trên 860 triệu USD (đạt hơn 103% so với kế hoạch), riêng lợi nhuận hai phía ước đạt mức 247 triệu USD (123% kế hoạch).

Kỳ vọng nào cho 2021?

Đến cuối năm 2020, với những triển vọng về vắc xin phòng chống Covid-19 đã kích thích giá dầu tăng hơn 10%. Các chuyên gia nhận định, nền kinh tế toàn cầu sẽ sớm quay lại trạng thái bình thường mới, giúp nhu cầu dầu phục hồi vào năm 2021.

Tuy nhiên, không thể chủ quan. Theo Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, năm 2021 được dự báo vẫn là một năm khó khăn đối với thị trường dầu khí thế giới. Vì thế, để tiếp tục đạt được những thành tích như năm 2020, ban lãnh đạo Petrovietnam cho biết đã chỉ đạo các đơn vị cùng với Tập đoàn tập trung thực hiện công tác dự báo thị trường, các vấn đề kinh tế - chính trị trong năm 2021 để đưa ra các kịch bản ứng phó và có phương hướng quản trị phù hợp; tập trung phân tích đánh giá các giải pháp để tránh và hạn chế đà suy giảm, tìm giải pháp tăng trưởng trở lại; phân tích kỹ việc đầu tư và quản trị danh mục đầu tư; tập trung triển khai ngay nhiệm vụ trong Đề án về ứng phó với chuyển dịch năng lượng.

Thực tế, dù chịu khủng hoảng kép, nhưng thị trường dầu khí Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn, nhất là với các nhà đầu tư nước ngoài. Ngành dầu khí Việt Nam đang đón nhận nhiều dự án năng lượng “khủng”, với kỳ vọng sẽ kéo theo tăng trưởng về nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu, khí đốt.

Điển hình, Công ty Cổ phần Chân Mây LNG ( DN có 60% vốn đến từ Mỹ) đã đề xuất xin đầu tư dự án điện khí LNG có giá trị lên tới 6 tỷ USD; Tập đoàn AES (Mỹ) bắt tay cùng Tổng công ty Khí Việt Nam (PetroVietnam Gas) phát triển dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ tổng vốn 1,4 tỷ USD; Tập đoàn T&T đã đề xuất được triển khai dự án tổ hợp điện khí trị giá 3,5 tỷ USD tại Vũng Áng (Hà Tĩnh)…

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều