Doanh nghiệp có giao dịch liên kết quyết toán thuế TNDN thế nào?
Người nộp thuế tham gia thực hiện quyết toán thuế năm 2020 tại Cục Thuế TPHCM ngày 9/3. |
Trả lời vướng mắc của nhiều DN về việc thực hiện quyết toán thuế TNDN khi có giao dịch liên kết với các đối tác, DN liên quan, Cục Thuế TPHCM cho biết, căn cứ Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết theo khoản 1, Điều 5, DN có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo quy định tại điểm khoản này.
Công ty TNHH TM&DV GNHH F.D.I (doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực logistic) cho biết, công ty có công ty mẹ ở nước ngoài nắm giữ 49% vốn của công ty tại Việt Nam, trong quá trình hoạt động, các công ty trong tập đoàn có kinh doanh mua bán dịch vụ với nhau. Cụ thể, các công ty trong Tập đoàn có quan hệ điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác được xem là có quan hệ liên kết.
Như vậy giao dịch giữa công ty Giao dịch giữa Công ty TNHH TM&DV GNHH F.D.I tại Việt Nam và các Công ty trong Tập đoàn có quan hệ liên kết được xem là giao dịch liên kết. Và việc thực hiện kê khai thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết theo Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này và nộp cùng Tờ khai quyết toán thuế TNDN.
Tương tự, giải đáp vướng mắc của Công Ty TNHH Đồng Xuân Thủ Đức và một số DN khác về chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với DN có giao dịch liên kết, đại diện Cục Thuế TPHCM cho biết, căn cứ khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP, tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế.
Phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại điểm a khoản này được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại điểm a khoản này. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.
Đồng thời, theo khoản 1 Điều 19 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP, trường hợp chỉ phát sinh giao dịch với các bên liên kết là đối tượng nộp thuế TNDN tại Việt Nam, áp dụng cùng mức thuế suất thuế thu nhập DN với người nộp thuế và không bên nào được hưởng ưu đãi thuế TNDN trong kỳ tính thuế, DN chỉ kê khai căn cứ miễn trừ tại mục I và mục II tại Phụ lục I, được miễn kê khai xác định giá giao dịch liên kết tại mục III và mục IV Phụ lục I, được miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại Nghị định này. Trường hợp này, nếu có phát sinh chi phí lãi vay DN xác định tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN theo quy định tại khoản 3 Điều 16, khoản 3 Điều 19 Nghị định này.
Ngoài ra, xung quanh những vướng mắc liên quan đến quyết toán thuế TNDN đối với DN có giao dịch liên kết Cục Thuế TPHCM cũng đã lưu ý DN một số trường hợp như: DN đầu tư liên kết vào các công ty đối tác có chi trả khoản lợi nhuận sau thuế từ năm 2019 trở về trước, DN ghi nhận vào thu nhập miễn thuế TNDN theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 6 Thông tư số 96/2015/TT-BTC).
Hoặc trường hợp công ty có phát sinh giao dịch liên kết, công ty mẹ tối cao ở nước ngoài nhưng nước đó chưa có trao đổi thông tin tự động với cơ quan thuế ở Việt Nam, báo cáo liên lợi nhuận quốc gia được lập và lưu giữ tại công ty con ở Việt Nam và nộp cho cơ quan Thuế khi nhận được văn bản yêu cầu của cơ quan thuế ở Việt Nam. Báo cáo liên lợi nhuận quốc gia thực hiện theo mẫu quy định ở Phụ Lục 04 của Nghị định 132/2020/NĐ-CP.
Ý kiến bạn đọc