Đại hội đồng cổ đông SHB: 2 kịch bản tăng trưởng
Đại hội đồng cổ đông thường niên của SHB. Ảnh: H.Dịu |
Chiều 22/4, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021.
Lợi nhuận quý 1/2021 tăng gấp đôi năm trước
Báo cáo tại đại hội, lãnh đạo SHB cho biết, năm 2021, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 460,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cuối năm 2020. Số dư cấp tín dụng đến cuối năm dự kiến đạt 361 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 14% trong khi huy động vốn từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 14,9%. Vốn điều lệ tăng lên gần 26,7 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%, tỷ lệ an toàn vốn thấp nhất là 10%.
Ngân hàng sẽ trả cổ tức năm 2019 và 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ lần lượt là 10% và 10,5%. Đồng thời SHB muốn chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 12.500 đồng/cổ phiếu. Nếu hoành thành các phương án này, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng mạnh lên hơn 26.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, về kế hoạch lợi nhuận, năm nay SHB đặt ra 2 kịch bản. Kịch bản 1, trường hợp ngân hàng hoàn thành việc chào bán phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng trong quý 3/2021 thì phần vốn tăng thêm được sử dụng vào hoạt động kinh doanh sẽ góp phần tăng thêm lợi nhuận cho ngân hàng và kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2021 của SHB dự kiến là 6.128 tỷ đồng, tăng trưởng 87,5% so với kết quả đạt được năm 2020.
Kịch bản 2, trường hợp SHB hoàn thành việc chào bán phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng trong quý 4 thì dự kiến lợi nhuận của ngân hàng sẽ là 5.828 tỷ đồng, tăng trưởng 78,3% so với năm trước.
Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho hay, năm 2020, SHB phải trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu của Habubank, sang năm 2021, ngân hàng không phải trích lập khoản này nên biên lãi ròng (NIM) sẽ tăng lên. Ngoài các chỉ tiêu tài chính, SHB cũng đã xây dựng các biện pháp tiết giảm chi phí, theo đó kế hoạch lợi nhuận theo kịch bản 2 trong năm nay là chắc chắn thực hiện được.
Theo kết quả mới cập nhật, kết thúc quý 1/2021, tổng tài sản SHB đạt 418,4 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 1,38% so với cuối năm 2020; trong đó, cho vay khách hàng tăng trưởng 1,65%, đạt 310,7 nghìn tỷ đồng. Nhờ đó, SHB đạt lợi nhuận trước thuế 1.664 tỷ đồng, gấp tới 2,1 lần kết quả đạt được cùng kỳ năm trước.
Kỳ vọng thặng dư khi chuyển nhượng vốn ở nước ngoài
Tại ĐHĐCĐ năm nay, cổ đông SHB đã thông qua phương án chuyển nhượng vốn của SHB tại SHB Lào và SHB Campuchia cho nhà đầu tư khác với tỷ lệ tối đa giao cho HĐQT SHB quyết định. Được biết, hiện vốn điều lệ của SHB Lào ở mức 50 triệu USD và của SHB Campuchia là 75 triệu USD.
Theo ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB, hiện dịch bệnh tại Campuchia đang bùng phát nhanh, các hoạt động nói chung và hoạt động của SHB Lào, SHB Campuchia đang tạm dừng. Tuy nhiên, nguồn khách hàng lớn nhất đem lại lợi nhuận tại 2 ngân hàng này là từ các công ty cao su của Việt Nam đầu tư tại Lào và Campuchia. Hiện 99% các công ty đều thu hoạch và xuất khẩu tốt, mang lại dòng tiền lớn.
“SHB sẽ thoái một phần vốn tại SHB Lào, Campuchia để chia sẻ quản trị, rủi ro và thu về thặng dư vốn”, ông Đỗ Quang Hiển cho hay.
Nói về việc nắm giữ cổ phần tại Công ty Chứng khoán SHS, Chủ tịch HĐQT SHB cho biết, SHB gần như không còn cổ phần tại SHS. SHB cũng đang tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư có năng lực tài chính, quản trị để thoái vốn tại Công ty Tài chính SHB Finance.
Ngoài ra, cũng tại đại hội, cổ đông SHB đã thông qua tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài không quá 20% vốn điều lệ. Đồng thời, chốt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) là 10% để tìm kiếm và lựa chọn đối tác chiến lược.
Ông Đỗ Quang Hiển chia sẻ: thời gian tới SHB sẽ tập trung vào chuyển đổi số, điều này sẽ giúp ngân hàng tăng tỷ lệ CASA đáng kể, từ đó đóng góp hiệu quả vào lợi nhuận chung.
Ý kiến bạn đọc