Củng cố về “chất” cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội

(HQ Online) - Trong năm 2024, nhiều dự án đầu tư liên quan đến công nghiệp hỗ trợ (CNHT) sẽ được khởi công xây dựng tại Hà Nội, nên đây là cơ hội cho các doanh nghiệp biết chủ động đón bắt xu thế.
Tín hiệu tích cực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Chuẩn bị cơ sở hạ tầng, mặt bằng cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội Hà Nội cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trong phát triển công nghiệp hỗ trợ

Tại Hội nghị Ban chấp hành mở rộng quý 1/2024 của Hiệp hội Doanh nghiệp ngành CNHT TP Hà Nội (Hansiba) vào ngày 14/3, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn N&G cho biết, năm 2023, dù trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế làm ảnh hưởng đến nguồn lao động, tài chính, làm đứt gãy chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp… nhưng nhờ nỗ lực và những hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp hội viên vẫn duy trì ổn định, đặc biệt là không có doanh nghiệp hội viên nào giải thể.

Không những thế, mới đây, nhiều doanh nghiệp CNHT tại Hà Nội đã nhận được chứng chỉ từ Hệ thống quản lý chất lượng IATF 16949 (là tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng trong ngành công nghiệp ô tô), từ đó đủ điều kiện để tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.

Hơn nữa, ông Nguyễn Hoàng thông tin, từ nay đến tháng 9/2024 sẽ liên tục khởi công nhà máy tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip) của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, sau khi đi vào sản xuất, các sản phẩm được sản xuất tại đây sẽ lên tới hàng triệu USD mỗi năm, đều là những sản phẩm công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng cao cũng như nhiều cơ hội xuất khẩu.

Hội nghị Ban chấp hành mở rộng quý 1/2024 của Hansiba. Ảnh: HD
Hội nghị Ban chấp hành mở rộng quý 1/2024 của Hansiba. Ảnh: HD

Tuy nhiên, nhiều khó khăn, thách thức cũng được chỉ ra, trong đó có sự cạnh tranh khốc liệt từ thị trường quốc tế hay những biến động địa chính trị có thể ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất toàn cầu. Các sản phẩm công nghệ luôn đòi hỏi không ngừng về chất lượng, mẫu mã, tính năng... nên buộc các doanh nghiệp phải đầu tư cho đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản trị.

Các doanh nghiệp CNHT tại Hà Nội cũng chia sẻ, khó khăn còn đến từ quy mô doanh nghiệp chỉ ở mức vừa và nhỏ, nên thiếu năng lực tài chính cũng như trang thiết bị, cơ sở hạ tầng. Cùng với đó là chính sách thực thi của Nhà nước đôi khi còn chậm, thủ tục hành chính chưa thông suốt… Chẳng hạn, quy định về chứng nhận doanh nghiệp CNHT rất phức tạp, nên đến nay có rất ít doanh nghiệp CNHT được chứng nhận để được nhận ưu đãi từ Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT của Chính phủ.

Vì thế, Hansiba xác định nhiệm vụ quan trọng là phải củng cố về “chất” của doanh nghiệp hội viên để có thể trực tiếp sản xuất cung cấp sản phẩm CNHT và công nghệ cao cho các tập đoàn đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam, sớm hội nhập chuỗi sản xuất CNHT của ASEAN và toàn cầu. Trong đó cần tập trung vào lĩnh vực cơ khí chế tạo cho ngành ô tô, điện tử và công nghiệp quốc phòng, dân sinh…

Đặc biệt, các hoạt động về xúc tiến thương mại và đầu tư cũng được các doanh nghiệp đề nghị đẩy mạnh triển khai. Trong đó triển khai thành lập quy chế ưu tiên các hợp đồng mua bán trong nội bộ Hiệp hội, cũng như thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực CNHT, kết nối để các doanh nghiệp FDI “kèm cặp” và đặt hàng với các doanh nghiệp trong nước…

Nói thêm về vấn đề này, ông Onaga Masaru, Chủ tịch Công ty Cổ phần Onaga (Nhật Bản) mong muốn được thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp CNHT Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung để cùng sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhật Bản cần được hỗ trợ tư vấn về thủ tục pháp lý cũng như liên kết sản xuất.

Các kiến nghị khác được đưa ra là cần sớm xây dựng Luật CNHT và trình Quốc hội sớm ban hành trong thời gian nhanh nhất. Trong khi chờ luật ban hành, Chính phủ có thể nghiên cứu ban hành Nghị quyết về cơ chế thí điểm cho doanh nghiệp ngành CNHT Việt Nam. Các cơ quan quản lý cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các doanh nghiệp thuộc ngành CNHT, quyết tâm đến năm 2025 tầm nhìn 2030 đạt tỷ trọng 5-10% trên tổng số doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, vấn đề về vốn, tài chính luôn được quan tâm. Bởi như về vốn, ông Nguyễn Hoàng cho hay, các doanh nghiệp CNHT cần thời gian đủ dài để chứng minh hiệu quả sản xuất, nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi lựa chọn đối tác Việt Nam thường yêu cầu có thời gian sản xuất ổn định từ 24-36 tháng thì mới đặt hàng, nên các doanh nghiệp CNHT cần nguồn vốn trung, dài hạn với lãi suất ưu đãi.

Với những đề xuất của các doanh nghiệp CNHT Hà Nội, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội nhấn mạnh, Thành phố đã có định hướng rõ ràng về phát triển CNHT, nên cùng với những hỗ trợ thì các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, mạnh dạn đầu tư hoặc tham gia vào các dự án đầu tư xây dựng của Hà Nội.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều