Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu

(HQ Online) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hợp tác với Dự án USAID LinkSME nhằm hỗ trợ các DN vừa và nhỏ chuyển đổi số nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Các “ông lớn” chuyển đổi số như thế nào?
Chuyển đổi số thành công là căn nguyên tăng trưởng của Viettel
Chuyển đổi số là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp vươn lên trong thử thách
COVID-19 và cú hích chuyển đổi số trong giáo dục ở Việt Nam
Chuyên gia của LinkSME tư vấn cho DN về chuyển đổi số. 	Ảnh: N.H
Chuyên gia của LinkSME tư vấn cho DN về chuyển đổi số. Ảnh: N.H

Chất lượng cao hơn, rủi ro thấp hơn

Hoạt động trong ngành quang điện tử với sản phẩm là quang điện tử, vi mạch, từ năm 2017, Công ty CP Quốc tế Quang Điện (OEIC) đã xác định mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng thế giới và đưa số hóa vào quá trình điều hành, sản xuất của công ty. Đến nay, công ty đã xuất khẩu sản phẩm thành công tới thị trường Mỹ và châu Âu.

Một nghiên cứu về mức độ sẵn sàng số hóa của DN vừa và nhỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2020 của Cisco (Mỹ) vừa công bố cho thấy, đến năm 2024, quá trình số hóa của các DN nhỏ và vừa tại Việt Nam có thể đóng góp từ 24 - 30 tỷ USD vào GDP và góp phần vào phục hồi kinh tế hậu Covid-19. Trong khu vực, gần 70% DN đang đẩy nhanh quá trình số hóa do tác động của đại dịch Covid-19; 86% DN được hỏi tin rằng số hóa sẽ giúp phát triển khả năng phục hồi chống lại các cuộc khủng hoảng như đại dịch Covid-19.

Ông Võ Đình Quốc Bảo, CEO kiêm Chủ tịch OEIC cho biết, việc quản lý chất lượng đối với các sản phẩm quang điện tử, vi mạch gặp rất nhiều khó khăn do kích thước quá nhỏ, mắt thường không thể nhìn thấy. Do đó, công ty đã số hóa từng công đoạn, quản lý giám sát bằng QR code, nhận diện và đánh giá chất lượng sản phẩm bằng công nghệ Vision, sau đó dùng công nghệ AI để xác định sản phẩm nào tốt, sản phẩm nào có thể hư hỏng trong tương lai.

“Khi đưa số hóa vào quy trình sản xuất, chúng tôi có thể xác định được lỗi nằm ở khâu nào, do thiết kế, do vật liệu hay trong khâu gia công, từ đó có thể cải tiến từng công đoạn. Cùng với đó, việc số hóa các công đoạn giúp chúng tôi giám sát chặt chẽ quy trình và từng bước giảm bớt công đoạn, rút ngắn thời gian, chi phí và tăng chất lượng sản phẩm, vì càng ít quy trình thì rủi ro càng thấp” – ông Bảo chia sẻ.

Thêm vào đó, do có dữ liệu số kết nối với các nhà cung ứng trong và ngoài nước nên công ty có thể đánh giá và chọn lựa nhà cung ứng phù hợp với nhu cầu về chất lượng, thời gian giao hàng, thanh toán… Việc mở rộng sản xuất cũng trở nên dễ dàng hơn nhờ công cụ số hóa, tránh được tình trạng chất lượng giảm xuống khi sản lượng tăng lên.

Chuyển đổi số được đánh giá là giải pháp quan trọng, mang tính sống còn đối với tất cả các DN trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bằng cách số hóa hoạt động kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ, DN có thể gia tăng tính cạnh tranh, phục hồi sau dịch bệnh Covid-19 và nắm bắt những cơ hội thị trường mới để phát triển bền vững.

Đặc biệt, ông Nguyễn Việt Long, Chuyên gia tư vấn chuyển đổi số, Dự án USAID LinkSME cho biết, đối với những DN ngành chế biến chế tạo, chế biến thực phẩm, việc chuyển đổi số sẽ giúp chuẩn hóa quy trình và các tiêu chuẩn, từ đó đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới, các DN sẽ có cơ hội để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Câu chuyện của Công ty Quang Điện là một trong số rất nhiều DN đã thành công nhờ chuyển đổi số. Chính vì vậy, đây đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các DN, đặc biệt là sau thời gian chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19.

Đẩy mạnh hỗ trợ DN vừa và nhỏ

Trong quá trình làm việc với các DN vừa và nhỏ, ông Nguyễn Việt Long nhận thấy có 2 rào cản lớn ảnh hưởng tới hiệu quả chuyển đổi số. Thứ nhất là rào cản về nhận thức và nguồn nhân lực cho chuyển đổi số. Theo đó, hầu hết DN đều nhận thấy sự cần thiết của chuyển đổi số, nhưng cụ thể cần làm gì và làm như thế nào thì lại không rõ. Nhiều DN thậm chí còn không có bộ phận công nghệ thông tin. Thứ hai là hạn chế về thông tin thị trường. “Nhiều DN kêu rằng chi phí cho các giải pháp công nghệ thông tin rất đắt đỏ, nhưng thực tế có rất nhiều giải pháp có giá rất hợp lý” – ông Long cho biết.

Để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số tại các DN, đặc biệt là hỗ trợ các DN vừa và nhỏ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với USAID xây dựng, triển khai “Chương trình Hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025” nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chỉ sau khoảng 1 tháng công bố, đến nay chương trình đã có hơn 3.000 DN tiếp cận. Qua sàng lọc, có khoảng hơn 500 DN từ quy mô nhỏ, siêu nhỏ đến quy mô vừa và lớn có nhu cầu thực tế về chuyển đổi số. Chương trình đang đánh giá mức độ sẵn sàng cho 500 DN này và triển khai các hoạt động tư vấn chuyên sâu để triển khai chuyển đổi số theo nhu cầu của từng DN.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Doanh nghiệp bứt phá kinh doanh với lãi suất cho vay siêu ưu đãi từ BAC A BANK

Doanh nghiệp bứt phá kinh doanh với lãi suất cho vay siêu ưu đãi từ BAC A BANK

(HQ Online) - Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) dành tặng Khách hàng doanh nghiệp mức lãi suất hấp dẫn trong khuôn khổ Chương trình "Tiếp vốn nhanh - Kinh doanh bứt phá”, hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tận dụng nguồn tín dụng ưu đãi để kịp thời bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.

Đọc tiếp

Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc

Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc

(HQ Online) - Ngày 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

Đọc nhiều