Chuẩn bị kỹ lưỡng để gia tăng thương mại với Đức

(HQ Online) - Trong nhiều năm qua, Đức vẫn luôn là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp vẫn phải chuẩn bị “hành trang” kỹ lưỡng hơn để tận dụng cơ hội và tăng khả năng xuất khẩu sang Đức nhờ EVFTA.
Ông Olaf Scholz tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức
Volkswagen hỗ trợ phí trước bạ lên đến 50% và giảm 10% phụ tùng chính hãng
Thu hồi thịt gà Ba Lan, thực phẩm bổ sung Đức tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 14/12/2021, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện FNF Việt Nam tổ chức hội thảo “Thúc đẩy thương mại Việt Nam – Đức thông qua Hiệp định EVFTA – Những điều doanh nghiệp cần biết”.

hội thảo trực tuyến “Thúc đẩy thương mại Việt Nam - Đức thông qua Hiệp định EVFTA - Những điều doanh nghiệp cần biết”.
Hội thảo “Thúc đẩy thương mại Việt Nam - Đức thông qua Hiệp định EVFTA - Những điều doanh nghiệp cần biết”. Ảnh: VCCI

Theo số liệu của VCCI, sau 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt – Đức (2011-2021), thương mại song phương giữa hai bên đã tăng 80%, từ 5,6 tỷ USD năm 2011 lên 10 tỷ USD năm 2020. Đặc biệt, xuất khẩu từ Việt Nam sang Đức trong giai đoạn này đạt mức tăng trưởng khoảng 11,5%/năm

Mặc dù vậy, VCCI đánh giá, mức tăng này vẫn còn thấp so với tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới trong cùng giai đoạn (14,9%/năm). Trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Đức hiện chỉ chiếm 1,83% trong tổng thương mại của Việt Nam, thấp hơn nhiều so với tỷ trọng 24,41% với Trung Quốc, 16,65% với Mỹ, 12,11% với Hàn Quốc...

Cũng theo VCCI, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã tiến tới xoá bỏ phần lớn hàng rào thuế quan và tiết giảm các rào cản phi thuế quan giữa Việt Nam với EU (trong đó có Đức), từ đó mang tới kỳ vọng về một sự tăng trưởng đột phá trong quan hệ thương mại song phương Việt Nam – Đức.

Cụ thể, Hiệp định sẽ dỡ bỏ 99,2% số dòng thuế cho hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang Đức sau 7 năm và cũng xoá bỏ 98,3% số dòng thuế cho các sản phẩm của Đức nhập khẩu vào thị trường Việt Nam sau 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực

EVFTA cũng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tự động cho 39 sản phẩm của Việt Nam và 12 sản phẩm của Đức giúp các sản phẩm này gia tăng giá trị và thương hiệu khi tiếp cận thị trường mỗi bên. Ngoài ra, Hiệp định cũng bao gồm rất nhiều cam kết khác về hải quan, vệ sinh dịch tễ, rào cản kỹ thuật, phòng vệ thương mại, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, mua sắm công.... giúp thiết lập nên các tiêu chuẩn và nguyên tắc thuận lợi hoá thương mại, tạo điều kiện dễ dàng cho hàng hoá của Việt Nam và Đức tiếp cận thị trường của nhau.

Tỷ lệ sử dụng C/O EUR.1 có sự tăng dần theo thời gian cho thấy EVFTA ngày càng phát huy ảnh hưởng, góp phần thúc đẩy xuất khẩu.
Theo bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương, tỷ lệ sử dụng C/O EUR.1 có sự tăng dần theo thời gian cho thấy EVFTA ngày càng phát huy ảnh hưởng, góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Trong ảnh: Tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan theo EVFTA - Nguồn: Bộ Công Thương

Vì thế, theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được đánh giá là có cơ hội lớn từ EVFTA bao gồm: giày dép, quần áo, thủy sản, các sản phẩm nhựa và một số sản phẩm nông sản… Theo chiều ngược lại, doanh nghiệp cũng được đánh giá là có lợi thế khi nhập khẩu các sản phẩm thế mạnh của Đức nhờ EVFTA, đặc biệt là xe cộ, máy móc thiết bị điện, dược phẩm, các sản phẩm nhựa, sắt thép, nhiên liệu dầu khoáng, thịt động vật và gia cầm, sữa và các sản phẩm từ sữa, rượu bia và đồ uống…

Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch VCCI cũng nhận định, để biến những cơ hội tiềm năng nói trên thành hiện thực, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu đầy đủ các nội dung cam kết của Việt Nam và Đức trong EVFTA. Cùng với đó, các doanh nghiệp cả xuất khẩu và nhập khẩu đều cần có hiểu biết kỹ càng về quy mô, nhu cầu, thị hiếu của thị trường và các quy định xuất nhập khẩu của hai bên.

Vì thế, VCCI đã giới thiệu cuốn Sổ tay doanh nghiệp “Tận dụng EVFTA để xuất nhập khẩu hàng hoá giữa Việt Nam và Đức” và ra mắt chuyên trang thông tin trực tuyến về xuất nhập khẩu Việt Nam – Đức do VCCI thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI cho hay, VCCI sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động thông tin về các cơ hội từ các FTA mới ký kết và đang thực thi của Việt Nam tại các thị trường đối tác và theo các ngành, lĩnh vực cụ thể với mức độ sâu hơn, chi tiết hơn, đầy đủ hơn để từng ngành, từng doanh nghiệp có thể chuẩn bị "hành trang" kỹ càng hơn cho việc hiện thực hóa các cơ hội từ các FTA đầy tiềm năng mà Việt Nam đã và đang tham gia.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

(HQ Online) - Để cụ thể hóa các quy định tại Luật Đất đai năm 2024, đảm bảo huy động hiệu quả nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy việc khai thác, sử dụng đất hiệu quả, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo tờ trình Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Sửa Luật Kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả giám sát sử dụng tài chính công, tài sản công

Sửa Luật Kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả giám sát sử dụng tài chính công, tài sản công

(HQ Online) - Việc sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước là một trong những yêu cầu cần thiết đặt ra nhằm hoàn thiện pháp luật về kiểm toán, qua đó giúp nâng cao hiệu lực kiểm tra, giám sát, quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công, giảm thiểu thất thoát ngân sách nhà nước.

Đọc nhiều