Chỉ 35% doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đã lập kế hoạch và cam kết ESG
Thực trạng cam kết ESG của các doanh nghiệp Việt Nam. Nguồn: PwC |
Theo đó, về mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022, tỷ lệ cam kết của các doanh nghiệp niêm yết là 93%, vượt mức trung bình của Việt Nam là 80%.
Tuy nhiên, chỉ có 35% các doanh nghiệp niêm yết đã thiết lập kế hoạch và đưa ra cam kết ESG, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình là 44%. 58% doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam cho biết đang và sẽ trong giai đoạn lập kế hoạch trong 2-4 năm tới.
Những thách thức chính khi triển khai ESG đối với các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam là thiếu các quy định ESG rõ ràng và thiếu lãnh đạo ESG trong tổ chức để thúc đẩy cam kết.
Báo cáo của PwC cho hay, 64% doanh nghiệp cho biết doanh nghiệp thiếu sự tham gia tích cực và quản trị minh bạch của hội đồng quản trị đối với chương trình nghị sự ESG. Thêm vào đó, 44% cho biết tổ chức của họ không có hoặc chưa xác định rõ lãnh đạo ESG để giúp dẫn dắt và thực hiện các sáng kiến ESG.
Báo cáo về phát triển bền vững ở châu Á Thái Bình Dương 2023 của PwC cho thấy, so với Việt Nam, các doanh nghiệp niêm yết ở khu vực châu Á Thái Bình Dương đang thể hiện tốt hơn đáng kể trong việc công bố vấn đề quản trị cấp cao và trách nhiệm của họ đối với các vấn đề ESG.
Trong số các công ty được khảo sát tại Việt Nam, 46% công bố trách nhiệm của HĐQT liên quan đến tính bền vững, 44% công bố cơ cấu quản trị bền vững và chỉ 8% công bố số lượng thành viên HĐQT hoặc nhân sự quản lý đã qua đào tạo về phát triển bền vững. Các tỷ lệ phần trăm này thấp hơn nhiều so với mức trung bình của khu vực châu Á Thái Bình Dương lần lượt là 84%, 79% và 36%.
Thực trạng quản trị trong báo cáo phát triển bền vững của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam. Nguồn: PwC |
Đáng chú ý hơn, theo PwC, không có doanh nghiệp niêm yết nào ở Việt Nam tiết lộ mối liên hệ giữa thù lao của các giám đốc điều hành cấp cao và hiệu quả công việc của họ trong việc quản trị bền vững.
Bên cạnh đó, việc thiết lập mục tiêu là cần thiết nhưng phần lớn doanh nghiệp niêm yết được nghiên cứu ở Việt Nam đều công bố mục tiêu ESG ngắn hạn và trung hạn (lần lượt là 84% và 70%). Tuy vậy, 48% doanh nghiệp niêm yết tiết lộ các mục tiêu dài hạn, tức là trên 5 năm và chỉ có 8% tiết lộ mục tiêu NetZero (tạo ra mức phát thải ròng bằng 0).
Trong khi đó, số liệu về các doanh nghiệp niêm yết công bố mục tiêu ESG ngắn hạn, trung hạn và dài hạn ở khu vực châu Á Thái Bình Dương là tương tự nhau – trung bình khoảng 76%.
Với những kết quả này, báo cáo của PwC nhận định, vẫn tồn tại cách biệt giữa các doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam và khu vực châu Á Thái Bình Dương trung bình ở mức 88%.
Vì thế, ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ ESG và Dịch vụ Kiểm toán, PwC Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp cần tiếp tục cải thiện và nâng cao nhận thức, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển năng lượng xanh và thực hành các tiêu chuẩn ESG. Hơn nữa, cần có sự cam kết và hợp tác giữa nhiều bên liên quan để đạt được tác động lâu dài cũng như tạo dựng môi trường kinh doanh có trách nhiệm ở Việt Nam.
Vị này cũng nêu, các doanh nghiệp niêm yết nên chủ động tích hợp các nguyên tắc ESG vào hoạt động, tận dụng các cấu trúc có sẵn và nguồn lực dồi dào của tổ chức. Đồng thời, các cơ quan chính phủ và cơ quan quản lý nên xây dựng các chính sách rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình chuyển đổi ESG, cùng với hướng dẫn chi tiết về các phương thức báo cáo phát triển bền vững.
PwC khuyến nghị, các doanh nghiệp niêm yết cần hiểu rõ mục tiêu của công ty, các chiến lược ESG, đồng thời tích hợp các yếu tố ESG vào chiến lược kinh doanh. Quá trình quản trị rủi ro và đánh giá hiệu suất thông qua việc cải thiện báo cáo phát triển bền vững có thể giúp tiết kiệm chi phí và kiến tạo giá trị lâu dài.
Ý kiến bạn đọc