"Điểm cộng" cho doanh nghiệp đề cao phát triển bền vững trong giao thương quốc tế
TPHCM thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững |
Doanh nghiệp cần tư duy đúng về phát triển bền vững từ Bộ chỉ số CSI |
Thúc đẩy xuất khẩu bền vững |
Trong chia sẻ mới đây, TS. Samuel Buertey, Giảng viên Kế toán, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, ông đã gặp gỡ với một chuyên gia thu mua, công việc là liên kết các công ty quốc tế với những nhà sản xuất tại Việt Nam. Ngoài những yêu cầu về cung cấp mẫu thử, thì đối tác quốc tế còn yêu cầu doanh nghiệp phải đưa ra bằng chứng về những phương thức kinh doanh có trách nhiệm, đặc biệt trong cách công ty đối xử với nhân viên cũng như sắp xếp điều kiện làm việc cho người lao động…
“Việt Nam đang dần định vị là địa điểm ủy thác sản xuất và kinh doanh cho nhiều thương hiệu toàn cầu. Các yếu tố như chi phí, lao động lành nghề và nền kinh tế ổn định là những điểm thu hút chính. Tuy nhiên, gần đây, ngày càng nhiều công ty toàn cầu chỉ chấp nhận làm việc với những nhà cung cấp cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội và môi trường", TS. Samuel Buertey nhấn mạnh.
Cần thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bắt kịp xu thế phát triển bền vững gắn với văn hóa đa dạng, bình đẳng, bao trùm. Ảnh: H.Dịu |
Hiểu được những yêu cầu trên, phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp VBCWE 2023: Văn hóa đa dạng, bình đẳng và bao trùm – Thành tố quan trọng trong phát triển bền vững ESG do Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) kết hợp cùng Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức vào chiều 14/6, tại Hà Nội, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VBCWE nhấn mạnh, sau khi đại dịch Covid-19 qua đi, những doanh nghiệp nào quan tâm đến yếu tố con người, có xây dựng văn hóa đa dạng, bình đẳng và hòa nhập tốt thì những doanh nghiệp đó có khả năng chống chọi, vượt qua đại dịch và bứt phá tốt hơn.
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch VBCSD cho rằng, doanh nghiệp sẽ có rất nhiều lợi ích khi gắn kết đa dạng, bình đẳng và bao trùm trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trong đó, về kinh tế, doanh nghiệp sẽ nâng cao khả năng tiếp cận các thị trường mới, thúc đẩy xuất khẩu, tạo lợi thế thu hút tốt hơn nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ cải thiện năng lực quản trị doanh nghiệp, cũng như giúp thu hút và giữ chân nhân tài.
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, văn hóa đa dạng, bình đẳng và bao trùm là một xu thế tất yếu và là mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp theo đuổi trên hành trình phát triển bền vững. Với xu thế này, doanh nghiệp sẽ phải xây dựng một môi trường bình đẳng cho người lao động, nhất là với những lao động nữ.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Cao Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, Phó Chủ tịch VBCWE và VBCSD cho hay, đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, trong đó có bình đẳng giới sẽ giúp doanh nghiệp có thêm điểm cộng khi hợp tác, kinh doanh với đối tác nước ngoài. Đặc biệt, sang năm 2024, các đối tác từ Liên minh châu Âu (EU) sẽ đưa ra yêu cầu bắt buộc về phát triển bền vững trong nhiều hoạt động hợp tác, thương mại.
Vị này khuyến nghị, các vấn đề về đa dạng, bình đẳng và bao trùm cần được phản ánh vào trong chiến lược, tầm nhìn và kế hoạch hoạt động của mỗi tổ chức, doanh nghiệp; cần tích hợp mục tiêu đa dạng và hòa nhập với chiến lược kinh doanh nhằm mang lại hiệu quả về kinh tế. Các doanh nghiệp cần xây dựng những chương trình, chính sách nhằm hỗ trợ và trao quyền cho những đối tượng yếu thế, tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động…
Song song với việc thực hiện, theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm hơn đến xây dựng và công bố báo cáo bền vững. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2022, chỉ có 19 công ty đại chúng phát hành báo cáo phát triển bền vững riêng. Trong khi đó, để thu hút đối tác, chuyên gia của Đại học RMIT Việt Nam đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của báo cáo này. Bởi báo cáo bền vững công bố và thể hiện các mục tiêu về môi trường, xã hội và quản trị cũng như tiến độ đạt được các mục tiêu này, đây lại không phải vấn đề khó khăn với bất kỳ doanh nghiệp nào ưu tiên tính bền vững.
Được biết, với sự ủng hộ của Chính phủ Australia thông qua dự án "Investing in Women", 5 năm qua, VBCWE đã tạo được những dấu ấn tiên phong trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc, tập trung vào khu vực kinh tế tư nhân. Diễn đàn lần này là dịp để VBCWE công bố định hướng giai đoạn 2 của dự án với những hoạt động sẽ triển khai nhằm mục tiêu hỗ trợ và thúc đẩy nâng cao chất lượng việc làm cho phụ nữ...
Trong khuông khổ của Diễn đàn, ba doanh nghiệp tiếp tục được vinh danh vì những nỗ lực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc và nhận chứng nhận bình đẳng giới GEARS (Lợi ích Kinh tế từ Bình đẳng giới), gồm:: Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Công Ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang, Công ty Cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh.
Ý kiến bạn đọc