Cần rà soát, xác minh đảm bảo công tác hoàn thuế GTGT đúng quy định

(HQ Online) - Câu chuyện hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa XK chưa bao giờ hết “nóng”, đặc biệt lại càng thu hút sự quan tâm nhiều hơn khi một lần nữa DN đặt vấn đề này ra trao đổi tại Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2022. Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, chính sách của Nhà nước là nhất quán, tuy nhiên chuỗi sản xuất kinh doanh của DN có những yếu tố vòng vèo thì cơ quan quản lý phải đánh giá, nhận định sát để đảm bảo “có nộp thì mới có hoàn, không có chuyện cứ hoàn đi rồi chúng tôi chịu trách nhiệm được”.
Doanh nghiệp quan tâm hóa đơn điện tử
Đối thoại giúp củng cố quan hệ giữa cơ quan Thuế - Hải quan với cộng đồng doanh nghiệp
2022 là năm Chính phủ triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp với quy mô rộng khắp

Rà soát để công tác hoàn thuế đúng pháp luật

Ông Trần Quang Hải, Phó Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn đầu tư Việt An nêu: việc hoàn thuế GTGT là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đối với nông dân nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung. Hiện DN đang gặp vướng mắc liên quan đến xử lý thủ tục hoàn thuế GTGT đối với mặt hàng tinh bột sắn. Do đó, DN muốn biết là DN có vi phạm pháp luật hiện nay trong quá trình XK tinh bột sắn hay không? Và nếu không vi phạm thì bao giờ DN được hoàn thuế?

Cũng nêu ý kiến về vấn đề này, ông Phạm Vũ Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Sắn Việt Nam cho rằng, “hiện nay, vấn đề của ngành Sắn là câu chuyện hoàn thuế GTGT đối với mặt hàng tinh bột sắn. Do đó, Hiệp hội mong muốn Tổng cục Thuế hướng dẫn rõ, đối với các DN đã có kết quả trả lời của cơ quan điều tra là không vi phạm thì cần phải thực hiện thủ tục hoàn thuế GTGT như thế nào. Đối với các DN mà chưa có kết quả điều tra của cơ quan công an nhưng đã xác minh không vi phạm thì không có lý gì DN phải chịu trách nhiệm với cái sai, vi phạm (nếu có) của DN đối tác (DN nước ngoài, Trung Quốc)”.

Cần rà soát, xác minh đảm bảo công tác hoàn thuế GTGT đúng quy định
Các mặt hàng nông sản, nông lâm, thuỷ sản trực tiếp người nông dân trồng trọt sản xuất đưa ra thị trường thì không chịu thuế GTGT.

Trả lời trực tiếp vấn đề này của DN và Hiệp hội Sắn Việt Nam, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng, mặt hàng tinh bột sắn, nông lâm thủy sản luôn được Nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, để sản xuất được sản phẩm tinh bột sắn XK phải trải qua rất nhiều khâu, từ khâu trồng trọt, thu hoạch đến khâu chế biến.

Thời gian qua, đa số DN đã thực hiện tốt nghĩa vụ với NSNN và thực hiện hoàn thuế GTGT theo quy định nhưng thời gian qua vẫn còn một số DN lợi dụng chính sách khuyến khích của Nhà nước để làm giả hồ sơ giấy tờ, kê khai khống hóa đơn… nhằm chiếm đoạt tiền từ NSNN.

Hàng năm, thường kỳ, Tổng cục Thuế thực hiện việc rà soát để chống gian lận hoàn thuế GTGT. Theo đó, năm 2019, khi rà soát công tác chống gian lận hoàn thuế, cơ quan Thuế đã phát hiện trường hợp DN tại Phú Thọ hoàn thuế sai quy định. Sau đó, Tổng cục Thuế đã có các văn bản xác định và yêu cầu các đơn vị thuế địa phương rà soát, xác minh các DN có giao dịch. Theo đó, qua xác minh, thông tin từ các DN nước ngoài trả lời cho thấy, không có giao dịch, không có thương mại với DN trong nước.

“Công văn của Tổng cục Thuế đã chỉ rõ những DN nước ngoài mà cơ quan Thuế nước ngoài trả lời không có giao dịch với DN Việt Nam thì đề nghị các cục thuế địa phương rà soát, phân tích làm rõ, đánh giá rủi ro để cảnh báo cho DN Việt Nam đang thực hiện giao dịch với các DN nước ngoài chứ không chỉ có câu chuyện đúng hay sai...

Tổng cục Thuế có phối hợp, đối thoại 2 lần với Hiệp hội Sắn Việt Nam và cũng đã thống nhất giữa cơ quan Thuế, DN cùng nhau rà soát, chỉnh sửa chính sách. Qua các lần đối thoại, các bên đã thống nhất rà soát lại, xác định dấu hiệu và chuyển hồ sơ một số DN cho cơ quan điều tra xác định giúp xem đúng sai như thế nào. Nếu kết quả xác minh đúng và DN đủ điều kiện được hoàn, Tổng cục Thuế sẽ chỉ đạo các cơ quan Thuế địa phương chủ động hoàn theo đúng quy định, chứ không có chuyện Tổng cục Thuế chỉ đạo không hoàn như DN nêu. Vì cơ quan Thuế không có chức năng điều tra, không thể xác định được bên DN thế nào, hàng hóa ở đâu, F1, F2, F3, F4 ra sao. Cơ quan Thuế luôn chia sẻ những khó khăn với DN chứ không phải như phản ánh của Hiệp hội Sắn Việt Nam là gạt hồ sơ sang một bên”, Phó Tổng cục trưởng Vũ Chí Hùng nhấn mạnh.

Sau cuộc đối thoại này, Tổng cục Thuế sẽ yêu cầu các cục thuế địa phương trao đổi với các chi cục thuế có các DN đang hoạt động để công tác hoàn thuế diễn ra nhanh nhất đúng quy định, ông Vũ Chí Hùng khẳng định.

Đảm bảo có nộp thì mới có hoàn

Trao đổi thêm liên quan đến công tác hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa XK, đặc biệt là mặt hàng tinh bột sắn theo ý kiến của cộng đồng DN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn khẳng định, theo quy định đối với các mặt hàng nông lâm, thuỷ sản trực tiếp người nông dân trồng trọt sản xuất đưa ra thị trường thì không chịu thuế GTGT, các khâu thương mại cũng không phải chịu thuế GTGT. Trường hợp các sản phẩm nông nghiệp nêu trên được các cơ sở sản xuất, chế biến thành sản phẩm tinh chế để bán thì các cơ sở sản xuất, chế biến trực tiếp XK được hưởng thuế suất GTGT XK là 0% (thuế GTGT đầu vào phát sinh của các phụ liệu phụ trợ chiếm tỷ lệ thấp); các cơ sở sản xuất, chế biến sau khi chế biến thành sản phẩm tinh chế nêu trên bán lại cho DN nội địa để kinh doanh XK thì DN nội địa sẽ chịu thuế suất GTGT 10%. Sau khi XK, các DN nội địa sẽ được hoàn lại từ NSNN số thuế GTGT đầu vào đã kê khai nộp thuế ở khâu trước đó nếu đáp ứng đủ các điều kiện quy định..

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, qua tìm hiểu thì các DN rất ít làm trực tiếp chế biến, đều thu mua lại qua rất nhiều khâu, cho nên việc xác minh trong quá trình hoàn thuế có những khó khăn về xác định nguồn gốc, kể cả việc XK. Đặc biệt, khi cơ quan quản lý nước ngoài, DN nước ngoài trả lời là các giao dịch không tồn tại nên cơ quan quản lý của Việt Nam phải cần nhiều thời gian để xác minh.

Cũng theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, thời gian qua, đã có 90% DN được cơ quan Thuế làm thủ tục hoàn thuế, chỉ có 10% các DN còn vướng mắc liên quan đến hồ sơ, quy trình xác minh...

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn chia sẻ, đối với 1 DN khó khăn thì cơ quan quản lý (cụ thể là Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế-pv) cũng vẫn có trách nhiệm.

“Tuy nhiên, chúng ta phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không ai được phép làm sai quy định của pháp luật. Trong đó, Luật Quản lý thuế và Luật Thuế GTGT chỉ rất rõ có 2 loại: hoàn trước kiểm sau và kiểm trước hoàn sau. Do đó, khi phát hiện có rủi ro thì hệ thống sẽ tự nhảy sang quy trình kiểm trước hoàn sau nên không có chuyện là cứ hoàn đi rồi chúng tôi chịu trách nhiệm được”, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.

Cần rà soát, xác minh đảm bảo công tác hoàn thuế GTGT đúng quy định
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.Nụ

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho rằng, chính sách của Nhà nước là nhất quán, tuy nhiên chuỗi sản xuất kinh doanh của DN có những yếu tố vòng vèo thì chúng ta cũng phải đánh giá, nhận định sát. Trước đây xảy ra vụ gian lận đối với cafe, trong đó có DN sản xuất cafe Tây Nguyên nhưng lại bán lòng vòng cho F1 là DN ở Đồng Nai, F2 là DN ở TP HCM, F3 là DN ở Cần Thơ, F4, F5 lại quay lại DN ở Tây Nguyên sau đó mới XK. Do đó, cần phải xác minh, điều tra cụ thể, phải có nộp thuế thì mới có hoàn thuế.

Đứng về góc độ pháp lý, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn mong muốn DN cần chia sẻ với cơ quan quản lý về việc thực hiện các quy định của pháp luật. Bởi nếu làm sai thì cơ quan Thuế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đối với DN là vì sự nghiệp kinh doanh, còn đối với cơ quan quản lý thì công chức vừa được giao nhiệm vụ thực hiện, giám sát tuân thủ pháp luật, đồng thời vừa là tạo thuận lợi cho DN và tạo sự bình đẳng giữa các DN làm tốt và DN làm không tốt. Bên cạnh đó, Hiệp hội là tổ chức, đầu mối đại diện bảo vệ quyền lợi cho DN nhưng cũng nên phối hợp, hợp tác với cơ quan quản lý để đấu tranh với những trường hợp sai.

Theo quy định, các DN nội địa khi XK được hưởng thuế suất GTGT là 0% và sẽ được hoàn lại từ NSNN số thuế GTGT đầu vào đã kê khai nộp thuế ở khâu trước đó nếu đáp ứng đủ các điều kiện về hoàn thuế XK theo quy định. Chính sách hoàn thuế GTGT đã được quy định cụ thể, rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của DN, trong đó có hoạt động XK hàng hóa. Pháp luật đã quy định cụ thể về hồ sơ hoàn thuế gồm các văn bản thông thường của hoạt động thương mại như hợp đồng mua bán hàng hóa, tờ khai hải quan, hóa đơn, chứng từ thanh toán qua ngân hàng được chuyển từ tài khoản của bên NK sang tài khoản bên XK mở tại ngân hàng theo các hình thức thanh toán phù hợp với thỏa thuận trong hợp đồng và quy định của ngân hàng.

Trường hợp thanh toán uỷ quyền qua bên thứ ba thanh toán qua ngân hàng (bao gồm cả trường hợp bên bán yêu cầu bên mua thanh toán tiền qua ngân hàng cho bên thứ ba do bên bán chỉ định) thì việc thanh toán theo uỷ quyền hoặc thanh toán cho bên thứ ba theo chỉ định của bên bán phải được quy định cụ thể trong hợp đồng dưới hình thức văn bản và bên thứ ba là một pháp nhân hoặc thể nhân đang hoạt động theo quy định của pháp luật. Việc tuân thủ đầy đủ các quy định về nội dung ghi trên chứng từ thanh toán qua ngân hàng là một trong các căn cứ chứng minh, xác thực việc mua hàng, XK để làm cơ sở giải quyết hoàn thuế GTGT từ NSNN.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Nhà đầu tư cá nhân được quyền đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Nhà đầu tư cá nhân được quyền đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

(HQ Online) - Để đảm bảo sự minh bạch, an toàn cho thị trường chứng khoán nói chung, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nói riêng cũng như bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư trên thị trường, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật thuộc lĩnh vực tài chính, trong đó có Luật Chứng khoán, cơ quan soạn thảo đã bổ sung các quy định nhằm quản lý tốt hơn vấn đề này.
Tạo hành lang pháp lý gỡ vướng trong sử dụng chi thường xuyên mua sắm tài sản, cải tạo công trình

Tạo hành lang pháp lý gỡ vướng trong sử dụng chi thường xuyên mua sắm tài sản, cải tạo công trình

(HQ Online) - Ông Bùi Anh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, việc ban hành Nghị định số 138/2024/NĐ-CP đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện để các bộ, ngành, địa phương được chủ động sử dụng chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đọc nhiều