5 nhóm vấn đề phân tích phân loại cần lưu ý tại Thông tư 17/2021/TT-BTC

(HQ Online) - Thông tư 17/2021/TT-BTC (gọi tắt là Thông tư 17) sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 14/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa XNK chính thức có hiệu lực kể từ ngày 12/4. Thông tư 17 có 5 nhóm vấn đề chính công chức làm công tác phân loại và DN cần lưu ý.
Quy định mới về phân loại, phân tích, kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa XNK
Minh bạch trong phân tích, phân loại hàng hóa
Tiến tới cắt giảm 30% lượng mẫu phải lấy để phân tích, phân loại, giám định
Có thể sử dụng kết quả phân tích, phân loại của lô hàng trước để khai cho lô hàng tiếp theo

5 nhóm vấn đề được quy định tại Thông tư 17 liên quan đến hồ sơ yêu cầu, mẫu hàng hóa, thẩm quyền ban hành kết quả, thời hạn ban hành và biểu mẫu hồ sơ.

Về hồ sơ yêu cầu phân tích để phân loại, theo quy định tại điểm 1, điểm 4 khoản 2 Điều 1 Thông tư 17 thì mỗi mặt hàng phải lập 1 phiếu yêu cầu phân tích hàng hóa XNK kiêm biên bản lấy mẫu hàng hóa. Đối với tài liệu kỹ thuật, trường hợp không có tài liệu kỹ thuật thì cơ quan Hải quan phải nêu rõ lý do.

Liên quan đến vấn đề về mẫu hàng hóa gửi phân tích để phân loại, tại mục b, mục c điểm 1 khoản 3 Điều 1 Thông tư 17 quy định, số lượng mẫu gửi phân tích để phân loại phải đủ hai mẫu và không thực hiện lấy mẫu đối với trường hợp người khai hải quan chỉ NK một mẫu. Cơ quan Hải quan nơi yêu cầu phân tích là đơn vị gửi mẫu trực tiếp hoặc qua đường bưu điện, đặc biệt là không giao cho người khai hải quan chuyển mẫu.

Phân tích mẫu tại Trung tâm phân tích phân loại thuộc Cục Kiểm định hải quan. 	 Ảnh: H.Nụ
Phân tích mẫu tại Trung tâm phân tích phân loại thuộc Cục Kiểm định hải quan. Ảnh: H.Nụ

Đối với vấn đề thẩm quyền ban hành thông báo kết quả, theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 1 Thông tư 17, kể từ ngày 12/4 Cục trưởng Cục Kiểm định hải quan được phép ban hành Thông báo kết quả phân loại và Thông báo kết quả kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm . Trong khi đó, chi cục trưởng Chi cục Kiểm định hải quan ban hành thông báo kết quả phân tích kèm mã số hàng hóa, thông báo kết quả phân tích kèm mã số đề xuất.

Về thời hạn ban hành các thông báo, tại khoản 4 Điều 1 Thông tư 17 quy định rõ, thời hạn ban hành thông báo kết quả phân loại không quá 5 ngày làm việc, trường hợp thời gian phân tích phụ thuộc thời gian do yêu cầu quy trình kỹ thuật phân tích hoặc mẫu hàng hóa phức tạp thì không quá 20 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ và mẫu phân tích.

Riêng về thời hạn ban hành thông báo kết quả phân tích kèm mã số hàng hóa, Thông tư 17 quy định không quá 5 ngày làm việc, trường hợp thời gian phân tích phụ thuộc thời gian do yêu cầu quy trình kỹ thuật phân tích hoặc mẫu hàng hóa phức tạp thì không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ và mẫu phân tích.

Cuối cùng là vấn đề liên quan đến biểu mẫu, tại khoản 7 Điều 1 Thông tư 17 quy định 4 mẫu liên quan gồm: Phiếu yêu cầu phân tích hàng hóa XNK kiêm Biên bản lấy mẫu hàng hóa (mẫu số 05/PYCPT/2021); Thông báo kết quả phân loại đối với hàng hóa XNK (mẫu số 08/TBKQPL/2021); Thông báo kết quả kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa XNK (mẫu số 09/TBKQKT-CL-ATTP/2021) và thông báo kết quả phân tích kèm mã số đối với hàng hóa XNK (mẫu số 10/TBKQPTPL/2021).

Theo đại diện Cục Thuế XNK, Thông tư 17 đã quy định cụ thể hơn trách nhiệm của cơ quan Hải quan trong việc phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa XNK. Thông tư 17, ngoài việc đưa công tác quản lý hải quan theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, rút ngắn thời gian trong khâu xử lý, còn giúp tạo thuận lợi thương mại cho DN trong thông quan XNK hàng hóa bởi kéo giảm đáng kể thời gian làm thủ tục trong các hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

Để triển khai có hiệu quả quy định tại Thông tư 17 vào thực tiễn, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cục, vụ trực thuộc, cục hải quan tỉnh, thành phố tích cực tổ chức tập huấn, triển khai có hiệu quả quy định đến CBCC đặc biệt là CBCC làm công tác phân loại, phân tích hàng hóa. Đồng thời, các đơn vị Hải quan tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho cộng đồng DN nắm được để thực hiện đúng quy định tại Thông tư 17.

Theo đó, Tổng cục Hải quan lưu ý các đơn vị khi triển khai quy định tại Thông tư 17 cần chú ý tới các vấn đề về hồ sơ yêu cầu để phân tích, mẫu hàng hóa gửi để phân tích phân loại và các biểu mẫu quy định tại Thông tư 17 áp dụng đối với các lô hàng XNK đăng ký tờ khai từ ngày 12/4/2021 cũng như thời hạn hạn ban hành Thông báo kết quả phân tích kèm mã số hàng.

Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu Cục Kiểm định hải quan khẩn trương trình Tổng cục Hải quan ký ban hành quy trình phân tích để phân loại, phân tích kiểm định hải quan đối với hàng hóa XNK nhằm triển khai có hiệu quả quy định này từ thực tế.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đề xuất tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2025

Đề xuất tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2025

(HQ Online) - Bộ Tài chính vừa đề xuất tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường trong năm 2025 đối với xăng (trừ etanol), dầu, mỡ nhờn; giảm khoảng 70% đối với nhiên liệu bay và 40% với dầu hỏa. Theo tính toán, tổng NSNN giảm khoảng 44.224 tỷ đồng khi áp dụng chính sách này.
Nhà đầu tư cá nhân được quyền đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Nhà đầu tư cá nhân được quyền đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

(HQ Online) - Để đảm bảo sự minh bạch, an toàn cho thị trường chứng khoán nói chung, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nói riêng cũng như bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư trên thị trường, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật thuộc lĩnh vực tài chính, trong đó có Luật Chứng khoán, cơ quan soạn thảo đã bổ sung các quy định nhằm quản lý tốt hơn vấn đề này.
Tạo hành lang pháp lý gỡ vướng trong sử dụng chi thường xuyên mua sắm tài sản, cải tạo công trình

Tạo hành lang pháp lý gỡ vướng trong sử dụng chi thường xuyên mua sắm tài sản, cải tạo công trình

(HQ Online) - Ông Bùi Anh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, việc ban hành Nghị định số 138/2024/NĐ-CP đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện để các bộ, ngành, địa phương được chủ động sử dụng chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đọc nhiều