"Xúc tác" Covid-19 khiến ngành bao bì phân cực

(HQ Online) - Trong Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Bao bì uy tín năm 2021 mới được Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố cho thấy, ngành bao bì Việt Nam bị phân cực trước tác động của đại dịch Covid-19. Bên cạnh phân khúc tăng trưởng mạnh lại có phận khúc bị thu hẹp. Doanh thu tăng cao nhưng không song hành tăng lợi nhuận.
Tác động của đại dịch Covid-19 đến doanh nghiệp Bao bì trong năm 2021. Nguồn Vietnam Report

Phân cực mạnh

Theo FiinGroup, trong giai đoạn 2015-2020, lĩnh vực bao bì là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh tại thị trường Việt Nam với tốc độ tăng trưởng 13,4%/năm. Tuy nhiên, phần lớn doanh thu bán hàng thuộc về phân khúc bao bì nhựa, bao bì giấy và thùng carton với trên 80%, còn lại thuộc về các phân khúc giấy và bìa cứng, nhựa, kim loại, thủy tinh, gỗ, dệt may và các vật liệu thích hợp khác như xốp, da,…..

Đại dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 và cho đến nay vẫn đang diễn biến phức tạp đã tác động cả tích cực lẫn tiêu cực lên ngành bao bì. Xét theo nhóm ngành hàng, nhu cầu phân khúc bao bì đóng gói dược phẩm, thực phẩm, dán nhãn chất khử trùng, bao bì xà phòng, chất tẩy rửa và nước rửa tay tăng cao trong khi nhu cầu về bao bì cho các sản phẩm sang trọng và công nghiệp có xu hướng giảm.

Xét theo tính chất vật liệu: bao bì mềm cho đóng gói thực phẩm chiếm tỷ trọng cao, tăng trưởng tốt. Bao bì nhựa cứng phát triển tốt trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống nhưng lại gặp khó khăn trong lĩnh vực bao bì nhựa công nghiệp, đồ trang điểm, mỹ phẩm và hàng tiêu dùng. Bên cạnh đó, phân khúc giấy bao bì, hộp giấy, thùng carton có sự tăng trưởng mạnh do nhu cầu đóng gói các sản phẩm phụ trợ, phục vụ việc bán hàng online và phân phối trực tiếp cùng hoạt động xuất khẩu tăng trưởng, đặc biệt là đối với các ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao như dệt may, da giày, thủy sản, linh kiện, thiết bị điện tử,…. Bao bì kim loại cũng ghi nhận những kết quả tích cực khi người tiêu dùng chuyển sang tích trữ thực phẩm lâu dài do hậu quả của đại dịch. Bao bì thủy tinh bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa khách sạn và nhà hàng và chỉ được bù đắp ở một mức độ nào đó bằng doanh số bán đồ uống thông qua bán lẻ cao hơn. Ở phân khúc cao cấp, bao bì thủy tinh bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm lớn về nhu cầu từ ngành mỹ phẩm như nước hoa.

Tuy nhiên, dù ở phân khúc nào, tăng trưởng mạnh hay ít thì biên lợi nhuận của các doanh nghiệp bao bì đều bị sụt giảm mạnh. Nguyên nhân là do nguyên liệu sản xuất bao bì chủ yếu nhập khẩu và chiếm 60%-70% giá thành nên khi dịch Covid-19 bùng phát làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nguyên liệu bị thiếu hụt, giá nguyên liệu tăng cao làm tăng chi phí phát sinh khiến biên lợi nhuận thu hẹp,

Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy, trong 16 doanh nghiệp bao bì niêm yết có tới 15 doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu 9 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ nhưng chỉ có 7 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận.

Cơ hội cho doanh nghiệp biết thích ứng

Các chuyên gia cho rằng, năm 2022 và các năm tiếp theo, cơ hội sẽ tiếp tục rộng mở cho các ngành hàng sử dụng nhiều bao bì như nông, lâm, thủy sản, công nghiệp chế biến..., khi các Hiệp định thương mại tự do EVFTA, CPTPP, RCEP được ký kết và đi vào hiệu lực.

5 yếu tố định hình xu hướng của ngành bao bì trong thời kỳ bình thường tiếp theo. Nguồn Vietnam Report

Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy, trong năm 2022, thị trường xuất khẩu ngành hàng thực phẩm – đồ uống, điện tử, dược phẩm, bao bì xi măng... tiếp tục xu hướng tăng trưởng. Lĩnh vực dược phẩm được dự báo sẽ tăng doanh số bán hàng đóng gói với tốc độ nhanh nhất, tiếp theo là điện tử và thực phẩm đồ uống. Trong lĩnh vực công nghiệp, doanh số bán hàng container rời trung gian (IBC) được dự đoán sẽ tăng tốc nhờ nhu cầu về thùng phuy nhựa và thép tăng do độ bền và khả năng tái sử dụng của chúng.

Số liệu thống kê sơ bộ của Vietnam Report qua khảo sát chỉ ra rằng, tại Việt Nam, bao bì đóng gói thực phẩm chiếm 30%-50%; điện – điện tử chiếm 5%-10%; hóa dược phẩm từ 5%-10%. Sự phát triển của ngành hàng thực phẩm là tác nhân thúc đẩy bao bì đóng gói luôn đạt mức tăng trưởng bình quân từ 15% -20%/năm, riêng bao bì nhựa đã đạt mức tăng trưởng 25%/năm và chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất trong cơ cấu ngành nhựa (38% - 39%). Còn trên thế giới, công nghiệp, vận chuyển là ứng dụng đóng gói cuối cùng lớn nhất, chiếm 41,6% doanh số bán hàng vào năm 2020, tiếp theo là thực phẩm với 29,6% và đồ uống với 13,9%.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát Vietnam Report cũng chỉ ra, sự phân cực vẫn tiếp tục xảy ra và cơ hội chỉ dành cho những doanh nghiệp biết thích ứng do 5 biến số ảnh hưởng nhất đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp bao bì vẫn hiện hữu, bao gồm: sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng; biến động của giá và nguồn nguyên liệu, phụ gia; sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp nội – ngoại; khả năng hồi phục của nền kinh tế; sự tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất.

Do vậy, trong 5 giải pháp cần được quan tâm trong thời kỳ bình thường tiếp theo, gồm: tăng cường đầu tư công nghệ, số hóa các hoạt động vận hành của doanh nghiệp; tăng cường các biện pháp quản trị rủi ro tài chính, chuỗi cung ứng; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thích ứng với chuyển đổi số; mở rộng thị trường, đẩy mạnh hoạt động marketing; thực hiện chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Ngoài việc ưu tiên tăng cường số hóa các hoạt động vận hành (gần 80% doanh nghiệp lựa chọn), các doanh nghiệp cần chú trọng hơn tới triển khai chiến lược phát triển bền vững (40% doanh nghiệp lựa chọn), sản xuất ra những sản phẩm thân thiện với môi trường để một mặt nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp (phát triển bền vững), mặt khác song hành cùng Chính phủ thực hiện cam kết giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, tiết kiệm năng lượng, hướng tới xây dựng hành tinh xanh và sạch hơn.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều