Vietjet phục hồi mạnh trong quý I/2021
Trong các tháng tiếp theo của năm 2021, Vietjet sẽ tập trung chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa năng lực, hiệu quả khai thác |
Khôi phục mạng bay nội địa, mở thêm đường bay mới
Theo đó, trong quý I/2021, Vietjet đạt doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ lần lượt là 2.845 tỷ đồng và 110 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 4.048 tỷ đồng và 123 tỷ đồng. Số lợi nhuận này đến từ việc Vietjet đầu tư dự án, đầu tư tài chính, phát triển dịch vụ hàng không, bù đắp cho các hoạt động khai thác vận tải hàng không.
Trong Quý I, Vietjet đã thực hiện chuyển nhượng toàn bộ cổ phiếu quỹ đang sở hữu nhằm tăng cường nguồn lực và tập trung nguồn vốn hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không.
Vietjet tiếp tục quản lý tốt chi phí thông qua các chương trình cải tiến, đổi mới, sáng tạo, thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí, tối ưu hóa chi phí khai thác theo giờ bay, giảm bình quân chi phí hoạt động 52%, giảm chi phí bán hàng và hành chính trên 39% so với cùng kỳ năm trước.
Ba tháng đầu năm, Vietjet đã thực hiện hơn 21.000 chuyến bay, vận chuyển gần 3,6 triệu lượt hành khách. Các chuyến bay của Vietjet đạt tỉ lệ đúng giờ trên 90% - tỉ lệ cao trên thế giới.
Vietjet là một trong những hãng bay đầu tiên khôi phục hoàn toàn mạng bay nội địa và mở thêm nhiều đường bay mới để phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao sau tết Nguyên đán và dịp hè. Các đường bay này cũng góp phần cùng các địa phương khôi phục hoạt động kinh tế.
Ngoài ra, Vietjet đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi để tri ân hành khách gồm các chương trình vé 0 đồng, chương trình mua vé tặng voucher 100.000 và 500.000 đồng sử dụng cho lần đặt vé tiếp theo, tặng 20kg hành lý ký gửi miễn phí…
Bên cạnh vận tải hành khách, Vietjet tiếp tục tăng cường các giải pháp tăng doanh thu phụ trợ, đưa cơ cấu doanh thu phụ trợ đạt gần 50%, góp phần tăng doanh thu chung của hãng.
Hãng cũng cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng hóa ngày càng đa dạng về cách thức, phong phú loại sản phẩm, bám sát sự phát triển của thị trường logistic để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng cao. Trong đó, Công ty Cổ phần Swift247 với 67% vốn từ Vietjet đã cho ra mắt dịch vụ vận chuyển hàng không SWIFT Mega - dịch vụ vận chuyển đơn hàng tải trọng lớn theo chuyến bay, khách hàng đặt trực tuyến dựa trên mạng lưới bay dày đặc của Vietjet. Tính chung cả quý I/2021, Vietjet đã vận chuyển được 18.000 tấn hàng hóa.
Cuối tháng 1/2021, Tạp chí về vận tải hàng không Payload Aisa vinh danh Vietjet là Hãng hàng không vận chuyển hàng hoá trong khoang hành lý tốt nhất của năm và Hãng hàng không chi phí thấp có hoạt động vận chuyển hàng hoá tốt nhất năm.
Song song với hoạt động khai thác, Vietjet chú trọng đến vấn đề an toàn, bảo vệ sức khỏe cho hành khách và phi hành đoàn. Vietjet thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế, nhà chức trách hàng không và các cơ quan y tế. Nhờ đó, hành khách và phi hành đoàn đều được đảm bảo an toàn, Vietjet được Trang đánh giá an toàn hàng không AirlineRatings vinh danh là 1 trong 10 hãng hàng không chi phí thấp tốt nhất và an toàn nhất; là hãng hàng không đạt 7/7 sao, mức cao nhất về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 dành cho các hãng hàng không toàn cầu.
Sẵn sàng khai thác thường lệ mạng bay quốc tế
Trong các tháng tiếp theo của năm 2021, Vietjet sẽ tập trung chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa năng lực, hiệu quả khai thác; tăng cường đàm phán giảm giá dịch vụ từ các nhà cung cấp phù hợp với tình hình doanh nghiệp hiện tại và triển khai giải pháp gia tăng nguồn thu khác như chuyên chở hàng hóa, mở rộng dịch vụ hàng không; đầu tư tài chính và dự án đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh và phát triển bền vững.
Hiện tại, hãng đã hoàn thành việc lắp đặt buồng đào tạo lái mô phỏng (SIM) thứ hai tại Học viện Hàng không Vietjet, dự kiến sẽ hoạt động trong tháng 5/2021 nhằm nâng cao năng lực đào tạo, đưa học viện trở thành cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành hàng không Việt Nam và thế giới với quy mô hiện đại nhất trong khu vực.
Vietjet cũng sẽ triển khai các dự án xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị và kiến trúc; đầu tư một công viên công nghệ, sẵn sàng đón nhận các hoạt động, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ hàng không… với mục tiêu đưa Vietjet vào nhóm những hàng hàng không hàng đầu thế giới.
Vietjet dự báo thị trường quốc tế sẽ khởi sắc lại vào quý IV/2021, do đó, hãng đã sẵn sàng cho kế hoạch khai thác thường lệ mạng đường bay quốc tế. Cùng với việc Chính phủ tiếp tục chính sách miễn, giảm, giãn nộp thuế và một số phí, đồng thời xem xét các biện pháp hỗ trợ tài chính, giảm lãi vay cho các hãng hàng không, Vietjet tin tưởng đó sẽ là nền tảng để Vietjet và ngành hàng không phát triển, góp phần thúc đẩy nền kinh tế hồi phục sau đại dịch.
Ý kiến bạn đọc