Vẫn còn doanh nghiệp không biết đến các chính sách hỗ trợ ứng phó Covid-19

(HQ Online) - Trường Đại học Kinh tế quốc dân vừa phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) công bố báo cáo “Đánh giá các chính sách ứng phó với Covid-19 và các khuyến nghị”.
Doanh nghiệp du lịch đề xuất giải pháp tiếp cận nguồn vốn vay, chính sách hỗ trợ
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp với doanh nghiệp
Doanh nghiệp muốn Chính phủ giải quyết ngay các nút thắt đang cản trở phát triển
Các lý do doanh nghiệp không nhận được hỗ trợ từ Chính phủ.

Báo cáo dựa trên kết quả điều tra 380 doanh nghiệp tại 3 tỉnh/thành phố: Hà Nội, TP HCM và Thanh Hóa.

Điều kiện vẫn khó đáp ứng

Theo đó, để giúp các doanh nghiệp đối phó với những khó khăn trong thời kỳ dịch Covid-19, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ, tuy nhiên đối với các doanh nghiệp được điều tra thì chỉ có 22,25% doanh nghiệp nhận được hỗ trợ.

Trong các lý do doanh nghiệp không nhận được hỗ trợ thì có tới 54,67% doanh nghiệp cho rằng do không đáp ứng được điều kiện; 25,95% doanh nghiệp không biết đến các chính sách hỗ trợ, 14,88% doanh nghiệp cho rằng quy trình, thủ tục hỗ trợ còn quá phức tạp nên không muốn tiếp cận..

Tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô lớn nhận được hỗ trợ từ Chính phủ là lớn hơn nhiều so với các doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Đối với các chính sách được hỗ trợ thì chính sách liên quan đến Gia hạn nộp thuế (thuế VAT, thuế TNDN) có tỷ lệ cao nhất (69,88%), tiếp đến là gia hạn tiền thuế đất và chính sách không thực hiện điều chỉnh tăng giá các yếu tố đầu vào trong sản xuất (điện, nước, xăng,…) đều chiếm tỷ lệ 18,07%...

Đánh giá về tác động của các chính sách hỗ trợ, các doanh nghiệp đều nhận định tích cực, đặc biệt là các chính sách: Miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử; vay không cần tài sản thế chấp; giảm tiền thuê đất...

Vẫn còn doanh nghiệp không biết đến các chính sách hỗ trợ ứng phó Covid-19

Đảm bảo thể chế kinh doanh bình đẳng

Từ những kết quả nghiên cứu, báo cáo đã đưa ra một số khuyến nghị để các chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn. Cụ thể, theo báo cáo, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần tiếp tục được thực hiện theo hướng tập trung hơn, đúng đối tượng và theo sát nhu cầu của doanh nghiệp. Cần có chọn lọc, phân loại ngành nghề để hỗ trợ, trên cơ sở đánh giá, khảo sát nhanh tác động của dịch Covid-19 đến ngành, nghề cụ thể và có điều kiện, tiêu chí.

Theo đó, những ngành nghề chịu tác động tiêu cực theo thứ tự giảm dần, là: du lịch; vận tải; dệt may, da giày; bán lẻ; giáo dục – đào tạo. Trong khi đó một số ngành vẫn có cơ hội phát triển tốt: công nghệ thông tin, thương mại điện tử…

Đối với chính sách thuế, báo cáo cho rằng, cần cho phép kéo dài thời gian giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất và bổ sung bổ sung đối tượng gia hạn (trước mắt là hết năm 2020 hoặc hết quý 2/2021) để doanh nghiệp đỡ khó khăn về thanh toán chi phí.

Nên xem xét hỗ trợ giảm thuế GTGT cho doanh nghiệp, tập trung cho các dịch vụ như lưu trú khách sạn, du lịch, vận chuyển, chuyên chở trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch… Xem xét hoàn ngay thuế GTGT đầu vào cho doanh nghiệp xuất khẩu trong 3 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Với dự án đầu tư thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau, rút ngắn thời gian xét hoàn từ 40 ngày xuống 20 ngày.

Đối với gói tín dụng, báo cáo đề nghị, cần sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng mở rộng đối tượng hỗ trợ và kéo dài thời gian cơ cấu lại nhóm nợ đến cuối năm 2021. Nếu không chắc chắn nợ xấu sẽ tăng đột biến và gây cú sốc cho hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh những giải pháp ngắn hạn mang tính ứng phó với Covid-19, báo cáo cho rằng, Chính phủ cần thực hiện các giải pháp mang tính dài hạn để chuẩn bị những điều kiện cơ bản cho phát triển bền vững sau đại dịch.

Thứ nhất, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ - đổi mới sáng tạo, có tư duy chấp nhận rủi ro và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp.

Thứ hai, tận dụng và khai thác lợi thế của người đi sau, tăng cường sử dụng công nghệ cao thông qua trực tiếp nhập khẩu, mua bán bản quyền, thuê bao sản phẩm từ nước ngoài; chuyển giao công nghệ từ FDI.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế; xây dựng nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính; tôn trọng và bảo vệ sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế…

Thứ tư, phát triển khu vực tư nhân đổi mới, năng động, sáng tạo; đảm bảo thể chế kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân; bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, thực hiện liên kết với doanh nghiệp FDI.

Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao thông qua cải cách toàn diện hệ thống giáo dục, đổi mới chương trình đào tạo…

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Doanh nghiệp bứt phá kinh doanh với lãi suất cho vay siêu ưu đãi từ BAC A BANK

Doanh nghiệp bứt phá kinh doanh với lãi suất cho vay siêu ưu đãi từ BAC A BANK

(HQ Online) - Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) dành tặng Khách hàng doanh nghiệp mức lãi suất hấp dẫn trong khuôn khổ Chương trình "Tiếp vốn nhanh - Kinh doanh bứt phá”, hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tận dụng nguồn tín dụng ưu đãi để kịp thời bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.

Đọc tiếp

Đọc nhiều