Ứng dụng công nghệ trong giải quyết tranh chấp thương mại
Doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng phòng ngừa lừa đảo thương mại Cơ hội giúp doanh nghiệp hợp tác “êm đẹp” sau tranh chấp Tranh chấp trong hợp tác kinh doanh tăng mạnh |
Ra mắt Nền tảng nộp đơn điện tử và quản lý vụ tranh chấp trực tuyến |
Nằm trong chuỗi sự kiện VIAC SYMPOSIUM 2024 với chủ đề “Thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong bối cảnh bất ổn kinh tế: Tranh chấp và trọng tài” ngày 26 và 27/6, Nền tảng nộp đơn điện tử và quản lý vụ tranh chấp trực tuyến (Ecase) của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã được ra mắt.
Đây là nền tảng do VIAC xây dựng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) với nhiều cải tiến, nhằm giúp trải nghiệm tố tụng trọng tài trở nên linh hoạt và thuận lợi hơn nữa, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên tranh chấp; đồng thời nâng cao tính hiệu quả của một phương thức hỗ trợ cho hoạt động thương mại và đầu tư xuyên biên giới.
Thêm vào đó, việc cung cấp thêm cách thức tham gia tố tụng trọng tài trực tuyến bên cạnh cách thức truyền thống sẽ góp phần hưởng ứng các chiến dịch phát triển xanh và bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng của carbon đối với môi trường thông qua việc giảm thiểu nhu cầu sử dụng giấy trong quá trình giải quyết tranh chấp.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội chia sẻ, thị trường Việt Nam dù được đánh giá là một trong những nền kinh tế phục hồi tốt sau đại dịch, nhưng vẫn bị ảnh hướng trực tiếp hay gián tiếp bởi nhiều yếu tố rủi ro như những căng thẳng địa chính trị leo thang, chính sách lãi suất cao ở các nền kinh tế phát triển lớn… Bên cạnh đó, chuyển đổi số, kinh tế số đã thực sự bước vào giai đoạn bùng nổ ở mọi quốc gia cũng đặt ra những áp lực, thách thức mới và cả những cơ hội mới chưa từng có.
Vì thế, theo TS. Lộc, sự ra mắt của nền tảng nộp đơn điện tử và quản lý vụ tranh chấp trực tuyến mới của VIAC sẽ giúp gia tăng hiệu quả trong công tác phòng ngừa rủi ro pháp lý, quản lý và giải quyết các tranh chấp hợp đồng trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt đối với các giao dịch thương mại và đầu tư có yếu tố quốc tế.
Theo ông Lê Văn Tuấn, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), xu hướng phát triển của công nghệ ngày càng cao nên việc ứng dụng công nghệ trong giải quyết tranh chấp cũng sẽ đi theo xu hướng này.
Nhưng theo các chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ trong giải quyết tranh chấp thương mại cần chú trọng, tăng cường đầu tư về vấn đề cơ sở hạ tầng, đảm bảo trong bảo mật thông tin…
Ý kiến bạn đọc