Tìm nhân lực chất lượng cao nhờ "đặt hàng" cơ sở đào tạo
Vững mạnh hơn nhờ tạo lập chuỗi liên kết doanh nghiệp | |
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với "bài toán khó" để tham gia chuỗi cung ứng | |
Mức chi mới cho đào tạo nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực |
Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo cần được đẩy mạnh nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng và phù hợp. Ảnh: H.Dịu |
Chỉ 30-40% lao động đáp ứng ngay yêu cầu kỹ thuật
Hiện nay, nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đòi hỏi phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao theo các tiêu chuẩn quốc tế và hội nhập, đặc biệt là trong các ngành nghề công nghệ cao như điện - điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin… Hơn nữa, theo các doanh nghiệp, để sản xuất ra sản phẩm đủ năng lực gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu và xuất khẩu, nguồn lực lao động cần thiết phải có những quy chuẩn kỹ thuật về kỹ năng nghề nghiệp theo chuẩn chung quốc tế, chú trọng phương thức đào tạo, hệ thống chứng chỉ quốc tế...
Chia sẻ về thực trạng của doanh nghiệp hiện nay, ông Đoàn Hữu Lý, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị điện MBT cho biết, là doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực thiết bị điện và máy biến áp với những yêu cầu rất cao về chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế, Công ty không chỉ cần cơ sở hạ tầng hiện đại mà luôn đòi hỏi công nhân phải có trình độ và tay nghề cao để sản xuất và vận hành hệ thống thông suốt.
Theo ông Lý, hiện chất lượng lao động của doanh nghiệp tạm thời đáp ứng nhưng vẫn luôn cần nguồn lao động chất lượng cao để phục vụ cho việc sản xuất những sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao hơn, chất lượng tốt hơn, mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn cho doanh nghiệp.
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Dụng cụ An Mi cho hay, theo đánh giá trong quá trình tuyển dụng hàng năm tại doanh nghiệp, chỉ có khoảng 30-40% người lao động đạt yêu cầu ngay, sau đó doanh nghiệp mất khá nhiều thời gian đào tạo lại từ chuyên môn cho đến các kỹ năng, tay nghề về sản xuất.
Vị này cũng chia sẻ, là doanh nghiệp chuyên sản xuất dụng cụ chính xác cao và chi tiết cơ khí phục vụ các ngành công nghiệp hiện đại và công nghệ cao nên doanh nghiệp đang rất thiếu nhân viên kỹ thuật trong lĩnh vực gia công cắt gọt và tự động hoá.
"Đặt hàng" từ cơ sở đào tạo
Với những vấn đề nêu trên, các doanh nghiệp đều nhấn mạnh đến sự cần thiết về giải pháp giải quyết những khó khăn trong việc tìm kiếm và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, trong đó rất mong muốn hợp tác với các cơ sở đào tạo để có được nguồn nhân lực phù hợp.
Theo ông Nguyễn Vân, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA), hiện nay, Hiệp hội cũng như các doanh nghiệp đang nỗ lực hợp tác với các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề để đào tạo sinh viên theo nhu cầu “đặt hàng” cụ thể từ phía các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Việc làm này vừa giảm chi phí đào tạo mới và đào tạo lại nhân lực cho các doanh nghiệp, vừa giúp sinh viên các trường đào tạo nghề có cơ hội tiếp cận kiến thức thực tế và tăng khả năng có việc làm ngay khi ra trường.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo cần đưa ra các kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực một cách bài bản và có lộ trình hợp tác để hỗ trợ phát triển cho ngành công nghiệp hỗ trợ, cùng với đó là phải đưa ra những chế độ đãi ngộ cũng như hợp tác đầu tư cơ sở đào tạo một cách phù hợp.
Trao đổi về vấn đề này, Nhà giáo ưu tú, TS. Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT) cho biết, từ khi đưa vào hoạt động cho đến nay, HHT có chủ trương đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội, đặc biệt, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là các doanh nghiệp FDI.
Vì thế, hàng năm, nhà trường tuyển sinh từ 1.500-2.000 sinh viên với các ngành nghề mà thị trường và doanh nghiệp đang có nhu cầu. Theo đó, sinh viên học đến đâu sẽ được thực hành luôn đến đấy, sinh viên được vừa học vừa nghiên cứu sản xuất để làm ra các sản phẩm có khả năng thương mại hóa. Nhờ thế, nhiều doanh nghiệp đã tuyển dụng tới 70-80% là sinh viên của HHT.
Hơn nữa, về hợp tác giữa doanh nghiệp với nhà trường, Hiệu trưởng trường HHT cho hay, các doanh nghiệp sẽ đầu tư cơ sở, trang thiết bị, đưa các chuyên gia giỏi tham gia với nhà trường từ khâu xây dựng chương trình, giáo trình, tổ chức đào tạo, đánh giá sinh viên… Sau đó, các doanh nghiệp cũng sẽ sử dụng luôn lực lượng lao động này để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, TS. Phạm Xuân Khánh chia sẻ, hiện nay, đang có một khó khăn là vẫn thiếu văn bản hướng dẫn, cho phép các doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất vào nhà trường cũng như sự phối hợp giữa nhà trường với các doanh nghiệp. Do đó, các chính sách về vấn đề này cần thay đổi theo hướng mở, tạo điều kiện xã hội hóa cho các doanh nghiệp có nhiều thuận lợi hơn trong việc đầu tư giúp nhà trường có thêm nguồn lực về trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo.
Ý kiến bạn đọc