Vững mạnh hơn nhờ tạo lập chuỗi liên kết doanh nghiệp
Đại diện các doanh nghiệp và hiệp hội công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội thường xuyên có hoạt động giao lưu, tìm hiểu thực tế tại cơ sở để tăng cơ hội hợp tác, liên kết. Ảnh: H.Dịu |
Hiện không ít doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao “than thở” vì không tìm kiếm được nguồn nguyên vật liệu đầu vào trong nước nên phải đi nhập khẩu từ nước ngoài với giá thành cao mà thời gian giao hàng lại lâu hơn. Nguyên nhân do chất lượng các sản phẩm, máy móc trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu.
Đối với quá trình tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm đối tác, đồng thời chịu cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm cùng loại trong nước cũng như sản phẩm nhập khẩu giá rẻ từ nước ngoài.
Theo ông Trần Văn Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thiết bị điện MBT, việc tìm kiếm trực tiếp các đối tác trong nước khó khăn nên sản phẩm của doanh nghiệp thường phải qua các khâu trung gian để tiêu thụ.
Chính vì vậy, ông Nam cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nói chung, công nghiệp hỗ trợ nói riêng rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, đặc biệt là các hiệp hội trong vai trò quy tụ các doanh nghiệp từ nhiều lĩnh vực, làm đầu mối kết nối nhu cầu giữa các doanh nghiệp, tạo điều kiện hợp tác tăng năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để mở ra nhiều bạn hàng mới đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng mong muốn được hợp tác về các vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực và được tạo điều kiện để có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Hiểu nhu cầu này, thời gian qua, Công ty Cổ phần Xây lắp và bảo dưỡng cơ điện VNK (Hà Nội) đã mở thêm trung tâm tư vấn đào tạo và hỗ trợ việc làm VNK để đào tạo nhân lực trong lĩnh vực cơ điện. Đến nay, Trung tâm đã đào tạo được hơn 10.000 kỹ sư, cử nhân cho nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn. Đại diện VNK bày tỏ mong muốn được tham gia vào việc phát triển Học viện Hướng nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VSI) để ngày càng phát triển đội ngũ nhân lực cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Với tổ chức gần 300 doanh nghiệp hội viên, trong đó đa phần là các doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến ngành công nghiệp sản xuất, công nghiệp hỗ trợ, Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) thời gian qua đã trở thành tổ chức đồng hành, kết nối hiệu quả các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng mở ra hướng đi mới.
Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Thường trực HANSIBA khẳng định, Hiệp hội có trách nhiệm hỗ trợ các doanh nghiệp cùng phát triển bằng việc kết nối các doanh nghiệp trong Hiệp hội có được bạn hàng trong nước và quốc tế. Đồng thời, Hiệp hội cũng sẽ tìm hiểu nhu cầu của mỗi hội viên trong từng lĩnh vực để kết nối và hỗ trợ về nguồn vốn, chính sách, vật tư thiết bị đầu vào, xúc tiến thương mại và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng… Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải cùng nhau “hợp sức” để có kết quả hiệu quả nhất.
Về đào tạo nhân lực, HANSIBA hiện đang nỗ lực hợp tác với các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề để đào tạo sinh viên theo nhu cầu đặt hàng cụ thể từ phía các doanh nghiệp. Sắp tới đây, Hiệp hội sẽ có buổi làm việc với Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT) để tiếp tục tìm hiểu thực tế đào tạo cũng như kết nối nhu cầu cho các doanh nghiệp.
Cùng với những kiến nghị về tăng cường liên kết, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ cũng mong muốn được thuận lợi hơn trong việc tiếp cận vốn cũng như các chương trình ưu đãi…
Ý kiến bạn đọc