Thương hiệu xuất xứ từ Việt Nam được thế giới biết đến 'còn hết sức ít ỏi'
Tạo hệ sinh thái để kết nối, lan tỏa thương hiệu quốc gia | |
Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 388 tỷ USD, tăng 21,6% | |
Thúc đẩy kinh doanh liêm chính giúp tăng giá trị thương hiệu doanh nghiệp |
Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện trong vài năm gần đây. Theo Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2021 được định giá ở mức 388 tỷ USD (tăng 21,6% so với năm trước) và xếp thứ 33 toàn cầu. Việt Nam cũng nằm trong nhóm 10 thương hiệu quốc gia phát triển nhanh nhất trên bảng xếp hạng này.
Theo các chuyên gia, số thương hiệu xuất xứ từ Việt Nam được thế giới biết đến còn rất ít. Ảnh: Internet |
Chia sẻ tại Tuần lễ Kinh doanh quốc tế do Đại học RMIT tổ chức gần đây với chủ đề "Xây dựng thương hiệu quốc gia trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu: Con đường phía trước cho Việt Nam", TS. Erhan Atay, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế Đại học RMIT cho rằng, kết quả này có được là nhờ sự phối hợp đồng bộ các chương trình chiến lược cũng như hỗ trợ của Chính phủ, kết hợp với nỗ lực từ phía doanh nghiệp nhằm tăng cường sự hiện diện và giá trị của họ ở cả thị trường trong nước và toàn cầu.
Tuy nhiên, TS. Erhan Atay nhận xét, mặc dù giá trị xuất khẩu của các ngành công nghiệp chủ lực như chế biến thực phẩm hay may mặc đều tăng đáng kể, nhưng số thương hiệu xuất xứ từ Việt Nam được thế giới biết đến “còn hết sức ít ỏi”.
Hơn nữa, theo các chuyên gia, doanh thu xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu đến từ việc bán nguyên liệu thô hoặc tham gia vào các quy trình sản xuất hoặc lắp ráp đơn giản trên chuỗi giá trị toàn cầu. Các hoạt động kinh doanh này mang lại ít giá trị và không bền vững với cả doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung. Kết quả là người tiêu dùng toàn cầu không biết đến thương hiệu Việt, thậm chí trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng trong nước lại chuộng hàng ngoại nhập hơn nội địa.
Từ những vấn đề nêu trên, TS. Lindsey M. Bier, Đại học Nam California, Hoa Kỳ cho rằng, nếu một quốc gia hoặc thương hiệu muốn thành công trên thị trường toàn cầu thì trước tiên họ phải giành được sự ưu ái của người dân và thị trường trong nước.
Từ kinh nghiệm thực tế, bà Võ Thị Liên Hương, Phó Tổng giám đốc Công ty Secoin chia sẻ, các doanh nghiệp đều muốn vươn ra quốc tế và trở thành người chơi lớn ở đó, nhưng phải biết mình là ai và phải hiểu vị thế của nước mình ra sao. Vì vậy, đừng vội nghĩ đến những điều to tát mà hãy đi từng bước một.
Theo đó, để thâm nhập thị trường quốc tế, các doanh nghiệp cần sự kiên nhẫn và nhiều nỗ lực. Các doanh nghiệp có thể chấp nhận làm nhà sản xuất/ gia công cho thương hiệu của nước ngoài trong thời gian đầu, sau đó tiến tới kinh doanh sản phẩm với thương hiệu riêng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần lưu ý để không mất đi nguồn gốc Việt Nam trong bất kỳ giai đoạn nào.
Ngoài ra, theo ông Lại Tiến Mạnh, đại diện Brand Finance tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài đã đánh mất thương hiệu. "Doanh nghiệp nước ngoài thường đề xuất đổi tên thương hiệu thành thương hiệu nước ngoài. Doanh nghiệp Việt Nam chấp nhận và sẽ mất đi thương hiệu khi ra thị trường nước ngoài", ông Mạnh nói.
Do đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã phải nhận lấy những bài học đắt giá và đánh mất thương hiệu/nhãn hiệu vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Vì thế, các công ty cần trang bị đầy đủ kiến thức để phát triển và bảo vệ thương hiệu của mình trên toàn cầu.
Đặc biệt, các chuyên gia đã khuyến nghị, chiến lược khác biệt hóa chính là chìa khóa để nổi bật và vượt trội trên thị trường quốc tế.
Ý kiến bạn đọc