Thúc đẩy kinh doanh liêm chính giúp tăng giá trị thương hiệu doanh nghiệp
Liêm chính là một tài sản vô hình có giá trị to lớn cho tất cả các doanh nghiệp. Ảnh: H.Dịu |
Vào chiều 6/4, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức diễn đàn “Tuân thủ và liêm chính – Nền tảng cho khởi nghiệp thành công”.
Theo Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm chính trị cao trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu và họ thường phải đối mặt với các rủi ro như gian lận, hối lộ trong các giao dịch kinh doanh.
Đồng thời, theo ông Vinh, đại dịch Covid-19 có xu hướng gây rủi ro đáng kể cho các hành vi vi phạm đạo đức, gây tác động tiêu cực, tạo rào cản đối với doanh nghiệp để theo đuổi kinh doanh liêm chính và duy trì sự thành công. Tham nhũng cũng tạo ra những rủi ro lớn cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Cùng quan điểm, ông Darko Pavlovic, Giám đốc Dự án Khu vực FairBiz Trung tâm Khu vực Bangkok của UNDP cho rằng, tham nhũng làm làm biến dạng thị trường, kìm hãm sự phát triển kinh tế và không khuyến khích đầu tư nước ngoài. Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc tuyên bố rằng "doanh nghiệp nên chống lại tham nhũng dưới mọi hình thức, bao gồm cả tống tiền và hối lộ”.
Theo ông Darko Pavlovic, các công ty khởi nghiệp và doanh nhân trẻ ở Việt Nam có thể gặp rất nhiều thách thức với hệ thống luật và quy định rất phức tạp quản lý các hoạt động kinh doanh và thủ tục hành chính. Nếu không có năng lực, kinh nghiệm và mạng lưới, một số doanh nghiệp có thể sử dụng các biện pháp không chính thức, bao gồm cả hối lộ, để giải quyết vấn đề.
Chia sẻ thêm từ kinh nghiệm của doanh nghiệp, ông Nguyễn Lê Kha, Giám đốc Công ty CP Đầu tư tài chính Sigma, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân IPO Sihub cho hay, liêm chính là một tài sản vô hình có giá trị to lớn cho tất cả các doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung.
Vị này lý giải, có rất nhiều lợi ích khi doanh nghiệp thực hiện kinh doanh liêm chính, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp khi tiến hành niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), cụ thể là sự minh bạch trong các hoạt động xây dựng báo cáo tài chính, kế toán và kiểm toán.
“Việc cung cấp các tài liệu tài chính minh bạch khi IPO sẽ góp phần làm tăng giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, từ đó tạo hiệu quả trong việc gọi vốn, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp có thể vươn tầm ra các thị trường quốc tế”, ông Kha đánh giá.
Thêm vào đó, ông Nguyễn Lê Kha cũng lưu ý đến thực hiện liêm chính như một phần giá trị nội sinh của doanh nghiệp. Khi cộng đồng doanh nghiệp thực hiện kinh doanh liêm chính mới có thể tạo nên giá trị thương hiệu cho quốc gia.
Từ những vấn đề trên, các doanh nghiệp và chuyên gia tại diễn đàn cùng đánh giá, kinh doanh liêm chính không khó, doanh nghiệp cũng không cần đầu tư quá nhiều chi phí cho việc này, quan trọng là tinh thần nghiêm túc, trước tiên là tuân thủ tốt pháp luật; sau đó có thể áp dụng các bộ quy tắc ứng xử nội bộ để quản lý, tôn trọng khách hàng, giữ cam kết, giữ lời hứa, minh bạch, chính trực và thực hiện nhất quán các cam kết với các bên liên quan.
Ý kiến bạn đọc