Thị trường phục hồi, doanh nghiệp dệt may dồn dập đơn hàng

(HQ Online) - Tính đến thời điểm hiện tại, không ít doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến hết quý 3/2021. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vấn đối mặt không ít khó khăn do quá trình chuyển đổi mặt hàng, đơn giá sản phẩm sụt giảm gây tác động trực tiếp tới doanh thu.
Xuất khẩu dệt may, da giày có nhiều tín hiệu khởi sắc
7 “đại gia” dệt may Đài Loan tìm cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Việt
Thị trường hồi phục, dệt may “nhắm đích” 39 tỷ USD
2337-9-2736-z1484131288672-bde6a1c8ba8c6a16dd7ad5c2a711ea4c-baohaiquan
Ảnh minh hoạ. Ảnh: Nguyễn Thanh.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm 2021 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 9,51 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 43,4%; kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 35,7%.

Tính chung 4 tháng, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 7,8%; ngành sản xuất trang phục tăng 9,5%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 11%.

Từ góc độ doanh nghiệp dệt may, ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong quý 1/2021, khả năng phục hồi thị trường tốt hơn hẳn so với năm 2020 do các thị trường xuất khẩu đã có cách ứng xử và quản lý xã hội trong dịch bệnh với một cách tiếp cận mới.

Các mặt hàng xuất khẩu chính trong quý 1/2021 vẫn tập trung vào các sản phẩm cơ bản, giá tương đối rẻ, các sản phẩm dệt kim. Lý do là bởi xu thế tiêu dùng của may mặc thế giới đã thay đổi rất nhiều trong đại dịch Covid-19. Các mặt hàng veston, sơmi, quần âu suy giảm mạnh nhất (veston giảm 70%; quần âu giảm 45%; áo sơ mi giảm 30%).

“Đơn hàng may mặc đã tăng trở lại, do đó các doanh nghiệp may kỳ vọng thị trường sẽ quay trở lại giúp đơn vị vượt qua khó khăn, lấy lại doanh thu như giai đoạn trước khi bùng phát dịch”, ông Hiếu nói.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 chia sẻ, trong quý 1/2021 lượng đơn hàng sản xuất của doanh nghiệp tăng nhưng doanh thu giảm 9% so với cùng kỳ năm trước.

Lý do là bởi vào thời điểm quý 3 và 4/2020, tình hình diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, thị trường xuất khẩu chưa có dấu hiệu phục hồi nên để đảm bảo duy trì sản xuất, May 10 đã nhận một số đơn hàng với mức giá gia công thấp hơn so với năm 2019.

Trong khi đó, mặt hàng veston có giá trị cao bị giảm sản lượng và doanh thu tới 60% buộc doanh nghiệp phải thay thế bằng mặt hàng khác.

Hiện nay, đơn hàng jacket, quần âu, sơ mi đã có đủ năng lực sản xuất tới tháng 8/2021. Riêng mặt hàng veston – mặt hàng chủ lực của May 10 thì vẫn chưa có đủ hàng để đáp ứng hết năng lực sản xuất hiện có của May 10, chỉ đạt 50% năng lực.

“Việc phải chuyển đổi sản xuất mặt hàng khác thay thế như dệt kim, hàng thường phục (như quần, váy, jacket, quần áo trẻ em… ) để bù đắp sự thiếu hụt các mặt hàng truyền thống của May 10 như sơ mi, veston, quần âu gây nên ảnh hưởng rất lớn tới năng suất và doanh thu”, ông Thân Đức Việt nhấn mạnh.

Xung quanh câu chuyện hoạt động của doanh nghiệp dệt may, bà Phạm Thị Lan Hương, Giám đốc Công ty may xuất khẩu Ninh Bình thông tin: Quý 1/2021 vừa qua, doanh nghiệp còn ít đơn hàng nên chỉ đạt doanh thu 583.000 USD, bằng 70% so với năm 2020. Tuy nhiên, đến quý 2/2021, đơn hàng đã dồn dập đến, khiến lượng hàng doanh nghiệp có đủ sản xuất tới tháng 9/2021.

“Chúng tôi cũng chưa thể biết quý cuối cùng của năm 2021 lượng đơn hàng sẽ ra sao nhưng doanh nghiệp sẽ cố gắng để làm sao vừa quản trị được lượng đơn hàng hiện đang vượt quá năng lực sản xuất vừa tính toán cho đơn hàng quý cuối năm”, bà Hương nói.

Bộ Công Thương đánh giá, ngành dệt may, da giày trong 4 tháng đầu năm 2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước khi một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dần hồi phục và tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết và đi vào thực thi.

Trong tháng 5/2021 và những tháng tiếp theo, Bộ Công Thương xác định các đơn vị tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh, chủ động theo dõi, bám sát tình hình, chuẩn bị các kịch bản, tình huống, giải pháp để ứng phó hiệu quả với diễn biến dịch bệnh.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều