Sự lạc quan của các doanh nghiệp FDI đã trở lại

(HQ Online) - Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài (FDI), nhưng đại dịch Covid-19 đã gây ra không ít tác động tới doanh nghiệp FDI nên cần các chính sách hiệu quả hơn.
4 tháng đầu năm, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 11 tỷ USD
Việt Nam có cơ hội thu hút làn sóng FDI chất lượng cao từ châu Âu
Doanh nghiệp FDI chiếm hơn 73% xuất khẩu cả nước
Sự lạc quan của các doanh nghiệp FDI đã trở lại
Sự lạc quan trở lại của các doanh nghiệp FDI được quan sát thấy ở hầu hết ngành nghề. Ảnh: ST

Niềm tin kinh doanh vững chắc

Theo GS.TS. Edmund Malesky, Trưởng nhóm nghiên cứu bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam năm 2021 có sự suy giảm so với năm trước đó.

Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi năm 2021 là 38,72%, thấp nhất trong 10 năm qua. 47,9% doanh nghiệp báo lỗ, nhích nhẹ từ con số 47,1% của năm 2020, là mức cao nhất kể từ năm 2012. Chỉ 7,8% doanh nghiệp tăng vốn đầu tư trong năm 2021, là năm thứ hai liên tiếp dừng ở mức độ tăng 1 con số. Dù vậy, vẫn có 50,6% doanh nghiệp tăng quy mô lao động trong năm 2021.

“Những con số này phần nào cho thấy dịch Covid-19 đã có tác động nghiêm trọng tới các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam”, GS.TS. Edmund Malesky đánh giá.

Tuy nhiên, kết quả điều tra PCI 2021 lại vẫn cho thấy, dù chịu những tác động tiêu cực như trên, nhưng các doanh nghiệp FDI vẫn có niềm tin kinh doanh vững chắc tại Việt Nam.

Sau sự sụt giảm đáng kể vào năm 2020, khi chỉ có 40,8% doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tiếp theo, điều tra PCI 2021 ghi nhận tỷ lệ doanh nghiệp FDI có kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam là 47,7%. Sự lạc quan trở lại của các doanh nghiệp FDI được quan sát thấy ở hầu hết ngành nghề, dù là doanh nghiệp định hướng thị trường xuất khẩu hay thị trường nội địa.

Theo số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/4, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 10,8 tỷ USD, bằng 88,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 4 tháng đầu năm, tuy vốn đăng ký mới giảm 56,3%, nhưng vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp tăng mạnh lần lượt là 92,5% và 74,5%.

Tuy vậy, GS.TS. Edmund Malesky đánh giá, nhìn về tổng thể, mặc dù chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2021.

Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã cho biết, niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu vào môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục tăng với việc Việt Nam nới lỏng các quy định chống dịch và tiếp tục phục hồi phát triển kinh tế.

Chủ tịch EuroCham Alain Cany cho biết, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng. Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến đầu tư hiệu quả và hấp dẫn nhất trên thế giới

Cần tận dụng cơ hội kết nối với các doanh nghiệp FDI

Ngoài ra, theo báo cáo PCI 2021, các doanh nghiệp FDI ghi nhận những cải thiện tích cực trong môi trường kinh doanh Việt Nam. Gánh nặng thanh, kiểm tra đã giảm, cùng với những chuyển biến tương đối tích cực trong cải cách thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực. Gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục xu hướng giảm. Chất lượng lao động và chất lượng cơ sở hạ tầng cũng có những cải thiện tương đối rõ rệt theo thời gian.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn kiến nghị Việt Nam cũng cần tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục triển khai dự án đầu tư có công trình xây dựng, cụ thể là cấp phép xây dựng, thẩm duyệt phòng cháy, đánh giá tác động môi trường. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực cần tiếp tục đẩy mạnh, đặc biệt trong một số lĩnh vực như thanh kiểm tra, thủ tục tố tụng tòa án và thủ tục hành chính đất đai... Chất lượng cơ sở hạ tầng cũng cần nâng cao hơn nữa trong thời gian tới.

Ngoài ra, điều tra PCI 2021 cho thấy, phần lớn doanh nghiệp FDI vẫn có quy mô nhỏ và vừa, cho thấy nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang hướng tới việc trở thành vệ tinh cho các dự án FDI lớn tại Việt Nam.

Do vậy, theo GS.TS. Edmund Malesky, Việt Nam cần có những chính sách hiệu quả hơn nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như có thể tận dụng cơ hội kết nối với các doanh nghiệp FDI để hưởng lợi sự lan tỏa của công nghệ và quản trị.

Cũng về vấn đề này, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E.Knapper nhấn mạnh, việc phát triển lực lượng lao động cũng đóng một vai trò quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tập trung cho chuyển đổi số, chuyển đổi nền kinh tế, từ đó sẽ tăng khả năng thu hút đầu tư.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh Ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh Ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

(HQ Online) - SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất 2024”. Tín dụng xanh tại SHB 2023 tăng trưởng ấn tượng so với năm 2022, qua đó, khẳng định vị thế là một trong số các ngân hàng TMCP tư nhân tích cực cho vay xanh tại Việt Nam.

Đọc nhiều