Samsung khẳng định ưu tiên cơ hội tham gia chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Tài chính làm việc với Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Samsung muốn duy trì vị thế nhà đầu tư FDI lớn nhất Việt Nam Samsung Việt Nam bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao |
Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam thăm và đánh giá kết quả chương trình tư vấn tại các doanh nghiệp. |
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã đặt mục tiêu, năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa, chiếm 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.
Hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, đây vẫn là mục tiêu có nhiều thách thức với công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) nhìn nhận, hiện có nhiều hãng điện tử lớn đang chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam tìm kiếm nhà cung cấp. Đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng thực tế rất ít doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi.
Tại tọa đàm “Liên kết doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu” do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức mới đây, các chuyên gia dẫn chứng, việc đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu, linh phụ kiện cho hoạt động này hết sức quan trọng nhưng khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt hiện chỉ đạt khoảng 36% - thấp hơn nhiều so với Trung Quốc và Ấn Độ; 1/2 doanh nghiệp FDI đã có chứng chỉ chất lượng ISO 9001 trong quản lý chất lượng nhưng doanh nghiệp Việt có chứng chỉ diện này hiện chỉ đạt chưa tới 10%…
Các chuyên gia cũng đồng thời khẳng định, nếu không sớm quan tâm và thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp Việt thì hiệu quả thu hút FDI sẽ không cải thiện nhiều trong thời gian tới.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, thời gian qua, tại Việt Nam, chính các tập đoàn đa quốc gia cũng đã tìm cách để hỗ trợ doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh. Samsung là một ví dụ điển hình. Từ năm 2015, Bộ Công Thương và Samsung đã phối hợp để triển khai chương trình tư vấn cải tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt.
Tháng 2/2022, Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam tiếp tục thực hiện Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh với mục tiêu hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại 50 doanh nghiệp và đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn nhà máy thông minh trong 2 năm (2022 – 2023).
Tính đến cuối năm 2023, sau 2 năm triển khai, số chuyên gia và doanh nghiệp được đào tạo, tư vấn từ dự án này đã vượt mục tiêu ban đầu, với 123 chuyên gia và 52 doanh nghiệp trên cả nước.
Các doanh nghiệp được tư vấn đã dần lớn mạnh hơn, dần đạt các tiêu chuẩn về năng lực để hợp tác với các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Là một trong số các doanh nghiệp tham gia chương trình hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh của Samsung năm 2023 tại khu vực phía Nam, Công ty Cổ phần Thái Bình Dương Xanh (Đồng Nai) đã dần “lột xác” sau khi được các chuyên gia Samsung tư vấn và xây dựng các hệ thống thông minh. Từ xuất phát điểm ban đầu đánh giá trước khi tiến hành các giải pháp xây dựng nhà máy thông minh, Thái Bình Dương Xanh mới chỉ đạt chỉ số 0,9/5,0 thì sau khi được tư vấn và thực hiện các giải pháp xây dựng nhà máy thông minh, chỉ số đã tăng lên là 2,8/5,0, đạt mục tiêu kế hoạch đặt ra của dự án.
Bên cạnh đó, năng suất của công ty cũng tăng đáng kể thông qua cải tiến năng lực, quá trình cải tiến hiệu suất tổng thể thiết bị, cải tiến chất lượng công đoạn cũng như nhận biết và dự báo bất thường công đoạn.
Theo ông Lê Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thái Bình Dương Xanh, những kết quả mang lại từ chương trình này đã tạo đà để công ty tiếp cận tốt hơn thị trường, giúp công ty xây dựng năng lực cạnh tranh cao hơn, tự tin tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Bộ Công Thương, việc hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều giá trị thiết thực, góp phần nâng cao năng lực, tăng khả năng tiếp cận chuỗi sản xuất toàn cầu cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Vì thế, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam khẳng định, Samsung Việt Nam sẽ tạo điều kiện, ưu tiên cơ hội tham gia vào mạng cung ứng cho các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh và được đào tạo tạo bài bản.
Ý kiến bạn đọc