Nới room tín dụng và giảm lãi suất: Nhân đôi 'cú hích' đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh
Vì sao NHNN đồng ý nới room tín dụng cho một số ngân hàng? | |
Một số ngân hàng được nới "room" tín dụng | |
Giảm lãi suất cho vay: Phải giảm thực chất |
Tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng để thêm dư địa giảm lãi suất. |
Dư địa giảm lãi suất
Từ tuần trước đến nay, hàng loạt ngân hàng như Vietcombank, Agribank, BIDV, TPBank, ACB, MB, Sacombank, MSB… đã rầm rộ tuyên bố cắt giảm lãi suất cho vay, kể cả những khoản vay mới và cũ với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, với mức giảm phổ biến từ 1-3%. Cùng với đó là việc tiếp tục miễn giảm nhiều loại phí giao dịch để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Những năm gần đây, đầu năm NHNN thường cấp hạn mức tín dụng ban đầu, tùy thuộc vào tình hình hoạt động kinh doanh và tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng. Sau đó, trong nửa cuối năm, NHNN sẽ điều chỉnh hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng khi có nhu cầu, song mức điều chỉnh căn cứ trên diễn biến của nền kinh tế và hoạt động thực tế cũng như “sức khỏe” của các ngân hàng. Thực tế cho thấy, trong nửa đầu năm 2021, nhiều ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng xấp xỉ 10%, tín dụng tăng cao khiến nhiều ngân hàng cạn room tín dụng nên phải xin nới, nếu không sẽ không thể tiếp tục cung ứng vốn ra nền kinh tế và khó có thêm dư địa để giảm lãi suất. |
Trùng hợp là cùng với thông tin giảm lãi suất, hàng loạt ngân hàng cũng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 (room tín dụng).
Cụ thể, MB được nâng room tín dụng từ 10,5% lên 15%; VPBank được nâng từ 8,5% lên 12,1%; Vietcombank nâng từ 10% lên 14%; Sacombank được tăng từ 6,5% lên 10,5%; Techcombank nới từ 12% lên 17%; Eximbank được nâng từ 6,5% lên 10%; VIB từ 8,5% lên 14,1%...
Chính NHNN cũng đã lên tiếng cho rằng, việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được thực hiện trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng, đánh giá tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng; ưu tiên đối với tổ chức tín dụng thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN về giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cũng cho hay, để được nới thêm room tín dụng, ngân hàng phải cam kết rót vốn vào lĩnh vực ưu tiên và phải giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế. Ngân hàng phải báo cáo tất cả những chương trình này thành một kế hoạch cụ thể đến NHNN, nghĩa là phải giảm thật và làm thật.
Cần đúng nơi, đúng mục đích
Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vay, cùng với đó, lãi suất cho vay là gánh nặng chi phí với nhiều doanh nghiệp. Vì thế, thêm room tín dụng và giảm lãi suất cho vay ở thời điểm này đã nhân đôi "cú hích" đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh, tạo “niềm vui nhân đôi” đối với các doanh nghiệp giữa mùa dịch.
Đại diện doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Hà Nội cho biết, doanh nghiệp được cấp hạn mức vay 10 tỷ đồng. Nhưng do ngân hàng cạn room nên chỉ giải quyết một phần nhu cầu, không phải đăng ký là được, nhất là ở cuối quý. Vì thế, trước thông tin ngân hàng được nới thêm room tín dụng, lại hạ 1% lãi suất cho vay so với mức lãi suất hiện hữu, nên vị này rất vui mừng và cho biết sẽ chuẩn bị hồ sơ để vay thêm vốn, tăng công suất cho hoạt động kinh doanh.
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cũng đồng tình cho rằng, các ngân hàng đều báo lãi lớn trong nửa đầu năm 2021 nên việc nới room tín dụng và giảm lãi suất sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để phục hồi. Tuy nhiên, việc quản lý dòng tín dụng này phải luôn cẩn trọng, để đảm bảo đến đúng nơi – đúng chỗ và đúng mục đích.
Chính vì thế, dù có ý kiến cho rằng, NHNN nên bãi bỏ công cụ hành chính này, song trong bối cảnh hiện nay, room tín dụng vẫn tỏ ra hiệu quả, giúp kiểm soát dòng tiền đưa ra nền kinh tế, khiến các ngân hàng phải “dè chừng” với các quyết định cho vay, nhất là tại các lĩnh vực rủi ro.
Nói thêm về vấn đề lãi suất tại ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho hay, ngân hàng là doanh nghiệp hoạt động minh bạch nhất về chi phí xác định lãi suất đầu vào. Nếu doanh nghiệp vay lãi suất cao trong giai đoạn hiện nay thì phải xem lại hiệu quả của dự án, ngân hàng đồng ý cho vay thì mức rủi ro rất lớn và phải chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình. Do vậy, không ngân hàng nào dám cho vay với lãi suất cao trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn băn khoăn về thủ tục và điều kiện để được hưởng các ưu đãi giảm lãi suất, nên rất cần chính sách rõ ràng để những cam kết của ngân hàng thương mại đến với doanh nghiệp hiệu quả, thực chất.
Ý kiến bạn đọc