Một số ngân hàng được nới "room" tín dụng

(HQ Online) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản chấp thuận nới hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng năm 2021 của một số ngân hàng thương mại.
Hàng nghìn tỷ đồng tín dụng hỗ trợ xuất nhập khẩu
Dòng tín dụng đang đi vào các lĩnh vực rủi ro như thế nào?
Nới thêm chỉ tiêu tín dụng, dòng tiền sẽ chảy vào sản xuất – kinh doanh?
Nhiều ngân hàng đã được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Ảnh: Internet
Nhiều ngân hàng đã được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Ảnh: Internet

Theo đó, trong đợt cấp tăng trưởng tín dụng lần này, có ngân hàng được nới thêm room tín dụng từ 8,5% lên 12,1%, có ngân hàng được nới mạnh hơn từ 10,5% lên 15%...

Tại các văn bản này, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng được nới thêm room tín dụng cần thực hiện tốt các giải pháp về hoạt động tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo an toàn hệ thống và góp phần ổn định thị trường tiền tệ.

Cụ thể, ngân hàng cần phải cấp tín dụng với khách hàng theo đúng quy định của pháp luật, chỉ đạo của NHNN về các giải pháp hoạt động tín dụng trong năm 2021.

Tập trung tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ và hạn chế cấp tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán… Giảm dần tỷ trọng cho vay với bất động sản, tăng cường quản lý ro với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng, kiểm soát chặt chẽ cho vay ngoại tệ.

Kiểm soát chặt chẽ các rủi ro trong hoạt động, đặc biệt là rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản… Các ngân hàng còn cần phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) không thấp hơn 9% tại mọi thời điểm.

Mới đây, tại cuộc họp với 16 tổ chức tín dụng do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức, các ngân hàng đề nghị, NHNN cấp thêm room tín dụng trong những tháng cuối năm để ngân hàng có thêm điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị, NHNN xem xét cách giao chỉ tiêu tín dụng hàng năm. Đặc biệt, với các ngân hàng đã áp dụng tốt Basel II và Basel III nên được tạo thuận lợi khi cấp room tín dụng.

Trước đó, Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, việc điều hành tín dụng bằng chỉ tiêu và định hướng là cần thiết, NHNN đã triển khai trong suốt 10 năm qua và đã phát huy tác dụng rất tốt trong việc quản lý chất lượng tín dụng. Vì vậy, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chỉ tiêu tín dụng định hướng và phù hợp với diễn biến nền kinh tế và mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Theo đó, NHNN căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng tổ chức tín dụng, để xếp hạng A, B, C… và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng linh hoạt. Hạn mức tín dụng sẽ được cấp cho từng ngân hàng riêng biệt, không cố định mà sẽ xem xét thay đổi từng đợt khi cần thiết, dựa trên tình hình hoạt động kinh doanh thực tế của từng ngân hàng.

Hồi đầu năm 2021, NHNN đã giao chỉ tiêu hạn mức tín dụng lần đầu cho các ngân hàng trong hệ thống, ngân hàng cao nhất được giao chỉ tiêu ở mức 12%, trong khi các ngân hàng quốc doanh và một số ngân hàng khác chỉ được cấp hạn mức tín dụng từ 6,5-7,5%.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều