Những trọng tâm nào để phát triển doanh nghiệp bền vững năm 2022?

(HQ Online) - Trước những vận hội mới của năm 2022, các doanh nghiệp đều bày tỏ niềm tin vào sự phát triển kinh tế của đất nước, đồng thời đã nêu ra những định hướng, trọng tâm để phát triển cộng đồng doanh nghiệp bền vững hơn.
VCCI đổi tên thành “Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam”
Doanh nghiệp lạc quan về triển vọng năm 2022
3 chiến lược đột phá của VCCI giúp phát triển cộng đồng doanh nghiệp

Trong 2 ngày 30 và 31/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội và trực tuyến tới các chi nhánh VCCI tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Những trọng tâm nào để phát triển doanh nghiệp bền vững năm 2022?
Ban chấp hành VCCI khóa VII ra mắt tại Đại hội.

Đại hội có sự hiện diện của gần 450 đại biểu chính thức đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tiêu biểu thuộc mọi thành phần, lĩnh vực của nền kinh tế từ khắp mọi miền của Tổ quốc.

Chú trọng tăng trưởng xanh và phát triển văn hóa

Trong phiên toàn thể ngày 31/12, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, vượt qua những thách thức trên, VCCI đã hoàn thành tốt các mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ công tác đã đề ra, thu được nhiều thành tựu và kết quả nổi bật, từ việc tham gia vào công tác xây dựng thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở cấp trung ương cùng như các tỉnh, thành phố, đến các hoạt động hội nhập quốc tế, hoạt động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp.

Theo đó, ước tính đến cuối năm 2021, số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế khoảng 850.000 doanh nghiệp, tăng gần 2 lần so với năm 2015. Nhiều doanh nghiệp đã có bước phát triển nhảy vọt về quy mô và trình độ công nghệ, từng bước bắt kịp các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới. Nền kinh tế nước ta cũng có bước phát triển đáng tự hào, với tốc độ tăng trưởng luôn thuộc nhóm cao nhất thế giới, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Tại Đại hội lần này, các doanh nghiệp còn có cơ hội thể hiện ý chí vươn lên, bày ý kiến, kiến nghị nhằm hóa giải những thách thức trong thời gian tới,

Đặt trọng tâm về phát triển kinh tế xanh, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết, đã đến lúc các doanh nghiệp trong nước cần xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển gắn liền với với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, gắn với tăng trưởng xanh… Bởi cộng đồng doanh nghiệp được xác định là nhân tố đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ môi trường.

Vì thế, bà Nga đề xuất phải thay đổi tư duy, ý thức và hành vi của các cá nhân, tổ chức để cùng chung tay giảm nhẹ phát thải trong toàn bộ cộng đồng, xã hội; đẩy mạnh phong trào “Doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn phát triển bền vững”. Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư, phát triển khoa học, công nghệ, nghiên cứu, hợp tác các lĩnh vực ngành nghề phát triển “kinh tế xanh”.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Nga, vấn đề xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là cơ cấu lại ngành nghề cũng là một trong những vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý.

Cùng với kinh tế xanh, theo các doanh nghiệp, việc xây dựng nền tảng văn hóa doanh nghiệp cũng tạo ra sự phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn THACO cho hay, xây dựng văn hóa kinh doanh và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam là hai công cuộc đồng bộ và bổ trợ cho nhau. Văn hóa kinh doanh là kim chỉ nam cho cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân là tác nhân hình thành nên văn hóa doanh nhân.

Do vậy, ông Dương đề xuất, Đảng, Nhà nước có giải pháp thiết thực nhằm xây dựng nên hệ giá trị của văn hóa kinh doanh Việt Nam. Qua đó phát triển đội ngũ doanh nhân có tâm và có tầm thể hiện hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế và cũng là để thực hiện khát vọng phát triển, phồn vinh, hạnh phúc của đất nước sớm thành hiện thực.

Những trọng tâm nào để phát triển doanh nghiệp bền vững năm 2022?
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ cho Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

"Thời kỳ vàng" của khởi nghiệp

Cùng với việc phát triển đội ngũ doanh nghiệp vững mạnh, tại Đại hội, các doanh nghiệp còn mong muốn những hỗ trợ để xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trẻ, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.

Nói về vấn đề này, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, các chính sách của Nhà nước, sự cổ vũ của cộng đồng, sự nhạy bén của các nhà khởi nghiệp đã tạo nên phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ trong thanh niên, doanh nhân trẻ.

Năm 2016, Chính phủ đã chính thức ấn định là năm quốc gia khởi nghiệp, đánh dấu thời điểm phong trào được thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Vì thế, ông Hồng Anh cho rằng, giai đoạn 2017-2025 được xem là “thời kỳ vàng” cho khởi nghiệp với sự ra đời của hàng loạt doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tuy nhiên, vị này cũng thẳng thắn chỉ ra, “bức tranh” khởi nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn rất cần được tháo gỡ. Đó là khó khăn về vốn; hàm lượng trí tuệ, công nghệ cao chưa cao; hạn chế về nhân lực trình độ cao; hạn chế về tư duy của người khởi nghiệp; khó khăn về thủ tục hành chính; hạn chế về cơ sở vật chất, nghiên cứu phát triển; chưa có kiến thức nền tảng vững chắc về các vấn đề pháp lý…

Vì thế, đại diện cho các doanh nhân trẻ kiến nghị, xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với sự tham gia của các chuyên gia về đổi mới sáng tạo, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, các startup để tư vấn, hỗ trợ và kết nối cho các dự án đổi mới sáng tạo khả thi, mang tính thực tiễn. Bên cạnh đó là thành lập các Quỹ đầu tư cho các dự án khởi nghiệp, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp…

Nói về vấn đề chuyển đổi số, ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) khẳng định, Cách mạng công nghiệp 4.0 không còn là xu hướng mà đã thực sự đi vào mọi mặt của đời sống xã hội. Những mô hình kinh doanh mới đã khiến thay đổi mọi quan điểm của doanh nghiệp về quan niệm khách hàng, thay đổi về tư duy và cách thức cạnh tranh, tầm quan trọng của dữ liệu trong hoạt động kinh doanh, tư duy lại hoạt động đổi mới sáng tạo…

Do đó, Chủ tịch tập đoàn VNPT cho rằng chuyển đổi số chiến lược mang tính quyết định để doanh nghiệp Việt bắt nhịp chuyển đổi hay thụt lùi. Nhưng chuyển đổi số như thế nào là câu hỏi không dễ với các doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, cần chiến lược về chuyển đổi số phù hợp với xu hướng vận động chung của nền kinh tế.

Đại hội đại biểu toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã nhất trí thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ VI, 2015-2020 và phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ VII, 2021-2026; báo cáo kiểm điểm công tác của Ban Chấp hành và Ban Kiểm tra khóa VI; đổi tên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đồng thời sửa đổi Điều lệ VCCI.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành khóa VII gồm 93 ủy viên, đại diện cho gần 200.000 doanh nghiệp, trên 220 hiệp hội doanh nghiệp hội viên trên toàn quốc.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ luôn đồng hành, là chỗ dựa, là mái nhà chung của các doanh nghiệp, là tiếng nói, cầu nối giữa doanh nghiệp với Đảng, Nhà nước và xã hội, là “hạt nhân” gắn kết cộng đồng doanh nghiệp, lấy liên kết làm sức mạnh, cùng tạo nên một cộng đồng hợp tác, tương trợ nhau cùng phát phát triển theo tinh thần “thuận bè, thuận bạn, tát cạn Biển Đông”.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Uống trà Không Độ nở rộ niềm vui trúng giải lớn dịp Tết

Uống trà Không Độ nở rộ niềm vui trúng giải lớn dịp Tết

(HQ Online) - Trước áp lực công việc và hàng trăm thứ phải chi tiêu trong những ngày cuối năm, uống Trà Xanh Không Độ mỗi ngày, người tiêu dùng vừa giảm stress vừa có cơ hội trúng 3 giải nhất còn lại, mỗi giải trị giá 250 triệu đồng cùng 9 giải nhì, mỗi giải trị giá 25 triệu đồng và 15 giải ba, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng để có thêm tiền tưng bừng mua sắm, đón Tết đang đến rất gần.

Đọc nhiều