Những 'cú hích" cho thanh toán trực tuyến
Ngân hàng "bắt tay" thương mại điện tử sẽ thành cú hích cho thanh toán trực tuyến. Ảnh: Internet |
Mới đây, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện với Công ty Cổ phần Tiki (TIKI) với vai trò là đơn vị đầu tiên cung cấp hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng.
Theo đó, MSB sẽ thiết kế gói giải pháp tài chính chuyên biệt cho cộng đồng nhà bán hàng trên sàn TIKI bao gồm dịch vụ tài khoản, thẻ, thấu chi và thanh toán miễn phí cùng cơ chế phê duyệt tín dụng nhanh trong 8 tiếng dành riêng cho người bán trên sàn TIKI...
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc MSB, cho biết, việc hợp tác dựa trên tiềm năng phát triển của thị trường thương mại điện tử trong tương lai. Điều này sẽ nhằm tạo ra cú hích lớn trên thị trường thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến, giúp 2 bên mở rộng dịch vụ thuận ích cho khách hàng.
Về phía TIKI, ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO của TIKI chia sẻ, việc hợp tác sẽ mang đến giải pháp tài chính cho cộng đồng nhà bán trên TIKI, góp phần hỗ trợ nhà bán phát triển sản phẩm, dịch vụ hơn nữa để mang lại giá trị cho người tiêu dùng Việt Nam. Điều này còn giúp các đơn vị bán hàng mở rộng và phát triển kinh doanh.
Theo số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2020, lượng truy cập mua sắm trên sàn thương mại điện tử hiện tăng hơn 150% so với năm 2019. Số lượng khách hàng truy cập các sàn cũng tăng trưởng ấn tượng với khoảng 3,5 triệu lượt/ngày.
Với những lợi ích như thế, khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều ngân hàng đã “bắt tay” với các sàn thương mại điện tử để mở rộng quy mô và gia tăng số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng, từ đó thúc đẩy thanh toán trực tuyến.
Ngoài MSB với TIKI nói trên, còn có thể kể đến VPBank hợp tác với Shopee và Visa cho ra mắt thẻ tín dụng VPBank Shopee, HSBC kết hợp với Lazada dành ưu đãi cho khách hàng dùng thẻ ngân hàng này mua sắm trên trang, VIB hợp tác với Sendo...
Theo các chuyên gia, đà tăng trưởng tốt của thanh toán điện tử trong những năm vừa qua một phần đến từ sự tích cực hợp tác của của ngân hàng và các trang thương mại điện tử. Những lợi ích tức thì trong thanh toán như giảm giá, ưu đãi hoàn tiền... đều có khả năng kích cầu, thu hút người tiêu dùng, từ đó tạo ra lợi ích lâu dài là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Ngân hàng số BIDV cho rằng, để đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, cần phải xây dựng môi trường sinh thái thanh toán điện tử mà ngân hàng là một phần trong hệ sinh thái này. Giống như Trung Quốc, để thành công, ngân hàng và sàn thương mại điện tử, ví điện tử cần tạo ra một hệ sinh thái đa dạng, tiện ích để phục vụ khách hàng.
Còn theo đại diện Sendo, thanh toán điện tử sẽ là xu hướng tất yếu nhưng hiện nay, vì nhiều nguyên nhân, thanh toán tiền mặt vẫn còn cao. Vì thế, các sàn thương mại điện tử cần có chiến lược phù hợp để thuyết phục và chuyển đổi thói quen thanh toán của người dùng.
Ý kiến bạn đọc