Ngành Xây dựng – Vật liệu xây dựng làm gì để tránh bị dịch Covid-19 “bào mòn”?

(HQ Online) - Theo một khảo sát của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) mới công bố ngày 5/4, ngành Xây dựng – Vật liệu xây dựng đã bị dịch Covid-19 “bào mòn” cả về doanh thu và lợi nhuận trong suốt 2 năm qua (2020-2021), tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn bền bỉ chống chọi, vượt qua khó khăn và bước đầu có những tín hiệu vui.

Bền bỉ vượt nghịch cảnh

Năm 2021, nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội và TPHCM phải thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19 bùng phát mạnh đợt thứ tư khiến các dự án nằm trong các tỉnh, thành này phải ngừng thi công. Các dự án nằm ngoài khu vực giãn cách cũng bị đình trệ do đứt gãy nguồn cung vật tư và nhân lực. 37,9% số doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết trên 20% số dự án/hợp đồng của họ bị chậm tiến độ hoặc ảnh hưởng chi phí do dịch Covid-19.

Biến động giá nguyên vật liệu cũng trở thành “cơn ác mộng” đối với các nhà thầu xây dựng. Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu dùng trong xây dựng tăng 6,4% so với cùng kỳ do nhu cầu vật liệu xây dựng tăng cao trong khi chuỗi cung ứng chưa hết gián đoạn từ năm 2020. Hai loại vật liệu xây dựng quan trọng nhất là thép và xi măng lần lượt tăng giá khoảng 40% và 8,4%.

Ngành Xây dựng – Vật liệu xây dựng làm gì để tránh bị dịch Covid-19 “bào mòn”?
Tăng trưởng lợi nhuận và doanh thu của ngành Xây dựng - Vật liệu xây dựng trong năm 2021 so với năm 2020. Nguồn Vietnam Report

Do chi phí vật liệu xây dựng chiếm khoảng 65 - 70% giá dự toán xây dựng công trình nên nhiều chuyên gia trong ngành nhận định “bão giá” đã bào mòn biên lợi nhuận của doanh nghiệp và quét sạch những lợi nhuận có thể hy hữu còn lại, đẩy nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp ngành Xây dựng - Vật liệu xây dựng vẫn bền bỉ vượt qua khó khăn và sớm thích ứng ngay khi Chính phủ chuyển hướng từ “chống dịch như chống giặc” sang “sống chung an toàn và thích nghi với đại dịch”, nhanh chóng khởi động lại các dự án bị đình trệ. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, nhờ kinh nghiệm có được từ năm 2020 và sự thích ứng tốt của các doanh nghiệp, tăng trưởng của ngành Xây dựng – Vật liệu xây dựng đạt 5,59%, cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm 2020 là 4,54%. Khảo sát của Vietnam Report còn cho thấy 53,3% số doanh nghiệp trong Ngành vẫn ghi nhận sự tăng trưởng về doanh thu mặc dù mức tăng trưởng chủ yếu dưới 25%. Biến động doanh thu của phần lớn doanh nghiệp nằm trong khoảng tăng, giảm 25% trong khi biên độ thay đổi của lợi nhuận lớn hơn, nằm trong khoảng tăng/giảm 50%.

Chìa khóa để bứt tốc

Mặc dù mất đà tăng trưởng từ trước đại dịch nhưng thị trường Xây dựng – Vật liệu xây dựng vẫn là một điểm sáng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, được định giá khoảng 60 tỷ USD vào năm 2021 và dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 8,71% trong giai đoạn 2022-2027. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp ngành Xây dựng – Vật liệu xây dựng nói riêng và hệ sinh thái ngành Bất động sản – Xây dựng – Vật liệu xây dựng nói chung đã có những chuẩn bị trước các cú sốc, đặc biệt là kinh nghiệm quản trị khủng khoảng có được từ cách đây hơn mười năm, khi thị trường bị đóng băng.

Ngành Xây dựng – Vật liệu xây dựng làm gì để tránh bị dịch Covid-19 “bào mòn”?
Đánh giá môi trường kinh doanh ngành Xây dựng - Vật liệu xây dựng. Nguồn Vietnam Report

Khảo sát của Vietnam Report chỉ ra rằng, 86,7% số doanh nghiệp trong Ngành đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phản ứng ngay lập tức, thích nghi tốt và chịu ít tác động; 6,7% số doanh nghiệp không có sự chuẩn bị nhưng đã phản ứng nhanh chóng và dứt khoát để phục hồi. Tuy nhiên, yếu tố khách quan cho thấy, bức tranh kinh tế vẫn còn tồn tại không ít thách thức đối với ngành. Đó là lạm phát (+17,2%) và tác động của suy thoái kinh tế (+6,9%) trên thế giới.

Năm vừa qua, Việt Nam vẫn kiểm soát lạm phát thành công khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 của Việt Nam chỉ tăng 1,84% so với năm trước, thấp nhất trong 6 năm qua. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, theo nhận định của phần lớn doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành, áp lực lạm phát rất lớn bởi: nhu cầu tiêu dùng tăng cao trở lại khi đại dịch dần được kiểm soát và kết thúc; giá hàng hóa thế giới tăng nhanh đối với một số mặt hàng thiết yếu và nguyên, nhiên, vật liệu sử dụng trong sản xuất do gián đoạn chuỗi cung ứng hoặc do chi phí vận tải gia tăng. Dragon Capital dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam từ 3,58% đến 4,18%. Thêm vào đó, căng thẳng chính trị Nga – Ukraine gần đây đã có nhiều tác động đến thị trường toàn cầu, qua đó gián tiếp ảnh hưởng tới ngành Xây dựng – Vật liệu xây dựng Việt Nam thông qua nhiều kênh như diễn biến giá dầu và giá thép thế giới…

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh đó, để có thể tận dụng cơ hội, bứt tốc, các doanh nghiệp Xây dựng – Vật liệu xây dựng cần tập trung vào 6 ưu tiên trong chiến lược kinh doanh gồm: tăng cường công tác quản trị tài chính, quản trị rủi ro; đảm bảo việc làm, tiền lương và quyền lợi cho nhân viên; tăng cường hợp tác đầu tư; đẩy mạnh đầu tư và phát triển công nghệ; tăng cường đào tạo và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với thời đại số; tăng cường huy động vốn, xây dựng nguồn tài chính vững mạnh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chú trọng tới công tác xây dựng uy tín cho thương hiệu bởi 96,6% số doanh nghiệp trong khảo sát cho rằng uy tín thương hiệu chính là động lực thúc đẩy doanh nghiệp bền bỉ vượt qua những khó khăn trong thời gian qua.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều