Ngân hàng thanh lý tài sản đảm bảo: "Rao" nhiều nhưng chưa "đắt khách"
Ngân hàng vẫn đang tích cực rao bán nợ. Ảnh minh họa. |
“Rao” đến... lần thứ 8
Trên trang chủ, Ngân hàng BIDV đã liên tục đăng thông tin lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản hoặc khoản nợ, thậm chí có những thông tin lựa chọn tổ chức đấu giá lên tới 8 lần.
Đó là khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Sài Gòn Phố Đông với dư nợ gốc là 30 tỷ đồng, dư nợ lãi và phí phạt lên tới 62 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo của khoản nợ này là quyền sử dụng đất có diện tích hơn 650 m2.
Đặc biệt, có những khoản nợ lên tới hơn 2 nghìn tỷ đồng cũng được BIDV mang ra đấu giá. Đó là khoản nợ của Công ty TNHH Ngọc Linh, đang được BIDV “rao” đấu giá lần thứ 3.
Hiện dư nợ gốc của khoản nợ này là hơn 1.385 tỷ đồng, dư nợ lãi và phí phạt là hơn 1.019 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo của khoản nợ này bao gồm các công trình, dự án, nhà máy, mỏ nguyên liệu và cả xe ô tô…
Tương tự, Vietcombank, VietinBank, Agribank cũng liên tục đăng thông tin bán đấu giá tài sản và các khoản nợ. Trong đó, qua 15 ngày đầu tháng 1/2021, VietinBank đã phát đi 8 thông báo đấu giá tài sản và khoản nợ.
Mới nhất, VietinBank thông báo bán đấu giá toàn bộ giá trị nợ (nợ gốc, lãi, lãi chưa trả) của Công ty Cổ phần Sợi Đông Phú. Dư nợ gốc bao gồm hơn 102 tỷ đồng và hơn 900.000 USD, dư nợ lãi và phí phạt là gần 100 tỷ đồng và hơn 82.000 USD. Tài sản đảm bảo của khoản nợ này là quyền sử dụng đất và toàn bộ máy móc, thiết bị của Dự án “Nhà máy kéo sợi chất lượng cao Đông Phú”.
Ngoài 4 “ông lớn” ngân hàng, các ngân hàng thương mại cổ phần khác như TPBank, Techcombank, Sacombank, PVcomBank… cũng đang tích cực đấu giá tài sản thế chấp, các khoản nợ để xử lý nợ xấu.
TPBank từ đầu tháng 1 cũng đã ra nhiều thông báo xử lý tài sản đảm bảo, tổ chức bán đấu giá hàng loạt tài sản là xe ô tô, quyền sử dụng đất của khách hàng vay vốn. PvcomBank cũng tương tự với những thông báo về lựa chọn tổ chức đấu giá và thu giữ tài sản đảm bảo của khách hàng, có thông báo bán đấu giá tài sản được đăng tới lần thứ 5…
Vì sao nhà đầu tư chưa mặn mà?
Trên thực tế, thời gian qua đã có hàng trăm tài sản đảm bảo của khách hàng thế chấp vay vốn được các ngân hàng ra thông báo thu giữ và rao bán để thu hồi nợ xấu. Theo các chuyên gia, một phần nguyên nhân việc rao bán tài sản thế chấp này là do dịch Covid-19 đã tác động nặng nề tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, khiến nhiều doanh nghiệp mất khả năng trả nợ.
Tuy nhiên, thị trường giao dịch rất trầm lắng khiến ngân hàng phải rao đi rao lại nhiều lần mà không xong.
Nguyên nhân được nhận định là các tài sản rao bán dù đã giảm giá nhưng vẫn chưa sát với giá trị thực, do ban đầu được định giá quá cao, hoặc tài sản đang thuộc diện tranh chấp, có thể mang lại nhiều rủi ro cho người mua, nên nhà đầu tư không mặn mà tham gia đấu giá.
Theo đánh giá của chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, thủ tục pháp lý quá phức tạp, vướng mắc nhiều khâu là rào cản chính của thị trường mua bán nợ. Ngoài ra, việc thành lập thị trường mua bán nợ vẫn đang gặp nhiều rào cản từ cả cơ chế lẫn thị trường cũng là rào cản khiến việc mua bán nợ diễn ra ì ạch trong vài năm qua.
Hiện các ngân hàng chưa công bố báo cáo tài chính cả năm 2020 để “soi” rõ khối lượng nợ xấu của các ngân hàng. Nhưng theo SSI Research, tính đến cuối tháng 9, tổng nợ xấu của các ngân hàng đã tăng 7,5% so với quý trước. Chưa kể, theo nhiều chuyên gia, với tác động của Thông tư 01 về cơ cấu lại nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nợ xấu thực chất của nhiều ngân hàng chưa đến thời điểm “bung” ra, nên số lượng hiện tại vẫn chưa phải là con số thực tế tình hình nợ xấu của các ngân hàng.
Ý kiến bạn đọc