Ngân hàng đồng thuận giảm thêm lãi suất huy động nhằm hạ lãi suất cho vay
Các “ông lớn” bất động sản kiến nghị được cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay | |
Giữ ổn định tỷ giá để kiểm soát lạm phát và hạ lãi suất | |
Lựa chọn kênh đầu tư khi lãi suất huy động còn chịu áp lực tăng |
Lãi suất cho vay hiện vẫn ở mức cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Internet |
Tại Hội nghị về công tác tín dụng bất động sản được tổ chức vào ngày 8/2, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho hay, thời gian qua, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước không bao giờ nâng lãi suất huy động “kịch khung” để có thể hỗ trợ lãi suất cho vay với doanh nghiệp. Thời gian tới, các ngân hàng sẽ giảm thêm lãi suất huy động.
Đặc biệt, lãnh đạo Vietcombank thông tin, lãnh đạo các ngân hàng thương mại đã nhóm họp và thống nhất với nhau sẽ triệt để thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đồng thuận giảm thêm lãi suất huy động để từng bước giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường.
Hiện một số ngân hàng thương mại lớn đang “rục rịch” lên kế hoạch giảm thêm lãi suất huy động, có thể bắt đầu từ tuần sau. Theo đó, lãi suất huy động tối đa sẽ giảm về 8,5%/năm với tổ chức và 8,7%/năm với cá nhân, thay vì mức 9,5%/năm như hiện nay.
Theo khảo sát, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động, không còn ngân hàng nào niêm yết lãi suất huy động với mức trên 10%/năm. Hiện tại, lãi suất huy động trong khoảng 8% đến 9,5%/năm đối với tiền gửi thông thường, so với giai đoạn cao điểm hồi tháng 11/2022, lãi suất huy động hiện nay đã giảm từ 0,5-2%/năm tùy từng kỳ hạn.
Chẳng hạn, tại PVCombank, trước đây lãi suất cao nhất là 9,9%/năm, dành cho khách hàng gửi tiền trực tuyến, kỳ hạn 36 tháng, nhưng hiện chỉ còn ở mức 9,5%/năm. Techcombank cũng đã hạ lãi suất huy động 0,3 - 0,4%/ năm so với thời điểm tháng 12/2022, hiện mức lãi suất tối đa Techcombank trả cho khách hàng ưu tiên là 9,2%/năm, cho khoản tiền gửi từ 3 tỷ đồng với kỳ hạn trên 6 tháng, khách hàng thường ở mức 8,9%/năm. CBBank, OceanBank... cũng đã điều chỉnh lãi suất cao nhất xuống mức 9,5%/năm…
Theo nhiều chuyên gia phân tích, lãi suất có thể sẽ giảm trở lại trong năm 2023 do điều kiện vĩ mô thuận lợi hơn. Tuy vậy, trong khi lãi suất huy động có chiều đi xuống thì lãi suất cho vay hiện không có nhiều thay đổi – vẫn ở mức trung bình khoảng 12-16%/năm.
Vào cuối năm 2022, 16 ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay, mức giảm từ 0,5-3%/năm. Tuy nhiên, trên thực tế, các ngân hàng chỉ áp dụng cho một số đối tượng thuộc lĩnh vực ưu tiên, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân vẫn đang phải vay với lãi suất cao.
Chuyên gia kinh tế PGS.TS. Trần Đình Thiên khẳng định, nếu lãi suất cao lên tới 15-16%/năm như hiện nay thì doanh nghiệp không sống được. Do đó, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý và ngành ngân hàng cần phải có giải pháp cụ thể để kéo giảm lãi suất cho vay.
Liên quan tới lãi suất, NHNN khẳng định luôn chỉ đạo ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.
Tại Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Thủ tướng cũng nêu yêu cầu thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Trong bối cảnh hiện nay, cần thực hiện đồng thời cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, trong đó chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ.
Ý kiến bạn đọc