Ngân hàng đề xuất được cộng điểm tín nhiệm khi tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng

(HQ Online) - Các tổ chức tín dụng (TCTD) đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cộng thêm điểm thưởng tín nhiệm cho các TCTD tham gia tái cơ cấu TCTD yếu kém tại dự thảo sửa đổi Thông tư 52.
Mở rộng, tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp thu mua, tạm trữ thóc, gạo
Thận trọng với rủi ro nợ xấu và bảo đảm an toàn vốn
Công khai kết quả giảm lãi suất, giảm phí của từng ngân hàng
Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 52 để xếp hạng các tổ chức tín dụng thực chất, công bằng, hiệu quả. Ảnh: Internet
Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 52 để xếp hạng các tổ chức tín dụng hiệu quả. Ảnh minh họa.

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định xếp hạng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang được lấy ý kiến.

Theo NHNN, việc xây dựng dự thảo là bước đi hoàn thiện hơn nữa cơ sở pháp lý về xếp hạng các TCTD nhằm phản ánh đầy đủ thực trạng và mức độ rủi ro trong hoạt động, từ đó, tăng cường hiệu quả của công tác giám sát ngân hàng, giúp kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý đối, đảm bảo an toàn, lành mạnh hệ thống.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho hay, Thông tư 52 mặc dù mới ra đời chưa đầy 3 năm nhưng đã góp phần nâng cao tính tuân thủ, kỷ luật, kỷ cương, hạn chế rủi ro, nhận diện được các TCTD yếu kém. Tuy nhiên, Thông tư này đến nay đã bộc lộ khá nhiều vướng mắc do có nhiều quy định còn chưa phù hợp với thực tiễn khách quan.

Về phương pháp xếp hàng, theo VNBA, thời gian qua, kết quả đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (như Moody’s, Fitch Ratings, Standard&Poor’s) đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam rất sát với thực tế.

Vì vậy, VNBA đề nghị NHNN xem xét xây dựng quy định xếp hạng các ngân hàng Việt Nam như đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế theo hướng xem xét chia nhỏ xếp hạng trong các xếp hạng lớn A, B, C, D, E thành các mức nhỏ hơn như A1, A2, B1, B2… để đảm bảo ghi nhận việc phân loại được chính xác và đầy đủ nhất.

Hơn nữa, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Thông tư 52 hiện hành và dự thảo sửa đổi bổ sung đều đang chấm điểm dưới dạng tĩnh; đơn lẻ từng năm và căn cứ chủ yếu vào số liệu của tổ chức tại một thời điểm 31/12, chưa phân tích dưới dạng động ở 1 chu kỳ hoạt động của tổ chức qua các năm trong mối tương quan với các đơn vị cùng nhóm.

Do đó, cần nhìn nhận quá trình vận động của TCTD qua các năm, việc cải thiện các chỉ số (khả năng sinh lời, an toàn vốn, thanh khoản …) cải thiện tỷ trọng (cấu trúc vốn, cấu trúc tài sản sinh lời…) trong xu thế và định hướng phát triển tương quan với các tổ chức khác trong cùng nhóm để có có bức tranh toàn diện về hoạt động của tổ chức trong môi trường có sự ảnh hưởng và tác động lẫn nhau.

Ngoài ra, góp ý về dự thảo sửa đổi, các TCTD đề nghị cần có cách ứng xử phù hợp với từng nhóm tổ chức, tiêu chí xếp loại không cào bằng giữa nhóm này với nhóm khác, giữa ngân hàng có vốn chủ sở hữu nhà nước với ngân hàng tư nhân, tổ chức là ngân hàng với công ty tài chính, giữa ngân hàng chủ yếu bán buôn với ngân hàng đang chuyển dịch mạnh sang bán lẻ…

Đáng chú ý, về quy định cách tính điểm xếp hạng, VNBA đề xuất cộng điểm cho các TCTD tham gia tái cơ cấu TCTD yếu kém. Bởi thời gian vừa qua, có một số ngân hàng rất tích cực và nỗ lực tham gia tái cơ cấu TCTD yếu kém; quỹ tín dụng nhân dân yếu kém. Các ngân hàng này phải sử dụng một phần năng lực tài chính của mình để thực hiện một số hỗ trợ cho TCTD yếu kém, do đó sẽ ảnh hưởng phần nào đến các tỷ số tài chính và kết quả hoạt động của mình khi thực hiện tính toán và chấm điểm.

Điều này sẽ giúp ghi nhận sự đóng góp của các ngân hàng trong việc triển khai việc tái cơ cấu, đồng thời, cũng khuyến khích các TCTD mạnh dạn trong việc tham gia tái cơ cấu TCTD yếu kém.

Về tiêu chí chất lượng tài sản được đánh giá dựa trên chỉ tiêu tỷ lệ nợ xấu và nợ cơ cấu tiềm ẩn chuyển thành nợ xấu, VNBA cho rằng, trong năm 2020, nợ cơ cấu tiềm ẩn chuyển thành nợ xấu của một số TCTD tăng do một số nguyên nhân khách quan, làm giảm điểm xếp hạng. Do đó, để bảo đảm đánh giá đầy đủ và khách quan hơn, đề nghị Thông tư mới cần xem xét loại trừ một số các yếu tố khách quan làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của TCTD khi tính điểm chỉ tiêu này.

Ngoài ra, công tác thông tin, báo cáo, thông báo đánh giá, xếp loại cần có sự công khai, minh bạch để các TCTD được xếp loại nhìn nhận đúng đắn về kết quả hoạt động, rút kinh nghiệm và tìm ra giải pháp, biện pháp hữu hiệu khắc phục tồn tại, hạn chế.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều