Mở rộng dòng vốn cho doanh nghiệp Việt

(HQ Online) - Một trong những giải pháp để cộng đồng doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới là đẩy mạnh xây dựng thị trường vốn. Tuy nhiên, thị trường tín dụng lại đang chịu những thách thức hiện hữu như các ngân hàng khó tăng năng lực tài chính, trong khi nguy cơ nợ xấu ngày một dày lên, do hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh đều chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Cùng với đó, nhiều hình thái tín dụng, thanh toán gắn công nghệ với tài chính xuất hiện, trong khi Việt Nam chưa đủ chính sách để quản lý. Có thể thấy rõ, thị trường vốn Việt Nam đang cần những nguồn lực tài chính mạnh mẽ cả trong và ngoài nước.
Doanh nghiệp Việt đủ sức tham gia chuỗi cung ứng của tập đoàn Thổ Nhĩ Kỳ
Doanh nghiệp Việt vững tin cho giai đoạn phát triển mới
Doanh nghiệp Việt Nam luôn có lợi thế “sân nhà” trong cuộc cạnh tranh từ FTA
Mở rộng dòng vốn cho doanh nghiệp Việt
20 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam có những bước phát triển lớn, phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Ảnh: ST

Nguồn vốn huy động từ thị trường chứng khoán vẫn thấp

Sự phát triển của thị trường chứng khoán trong 2 thập kỷ đầu tiên phải trải qua nhiều thăng trầm, nhưng đã tạo nên một kênh dẫn vốn hữu hiệu cho các doanh nghiệp. Năm 2000, khi thị trường chứng khoán mới mở cửa, vốn hóa thị trường chỉ đạt 986 tỷ đồng, tương đương 0,28% GDP. Lúc này doanh nghiệp hầu như phải huy động vốn qua kênh tín dụng ngân hàng. Sau 2 thập kỷ, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam tính đến cuối năm 2020 tương đương 83% GDP năm 2019. Hàng trăm nghìn tỷ đồng đã được các doanh nghiệp, các ngân hàng huy động qua thị trường chứng khoán, tạo nên bức tranh cân đối của thị trường vốn Việt Nam, khi mà kênh tín dụng ngân hàng cũng có sự phát triển mạnh mẽ trong 20 năm qua.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính):

Thị trường vốn (chủ yếu là các sở giao dịch cổ phiếu, trái phiếu) giữ vai trò là nơi cung cấp vốn đáp ứng yêu cầu về thời gian, khối lượng và giá phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp. Mặt khác, đây cũng là tấm gương phản chiếu kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp phải đổi mới quản trị, minh bạch thông tin, tăng cường sức cạnh tranh, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, nguyên tắc thị trường.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Hậu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn HAPACO, doanh nghiệp đầu tiên của miền Bắc niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam chia sẻ, trước khi có thị trường chứng khoán, doanh nghiệp chỉ có một cửa duy nhất để huy động vốn là ngân hàng. Từ khi thị trường chúng khoán mở ra, HAPACO và rất nhiều doanh nghiệp khác đã huy động được hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn từ nhà đầu tư.

“Từ một công ty giấy nhỏ bé ở Hải Phòng, khi cổ phần hóa vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu vỏn vẹn chỉ có 1,08 tỷ đồng, đến nay HAPACO đã có vốn chủ sở hữu trên 1.000 tỷ đồng, tăng gần 100 lần so với khi chưa cổ phần hóa. Và chúng tôi cần thị trường vốn phát triển hơn nữa để giúp các doanh nghiệp gọi được vốn và vươn lên”, ông Hậu chia sẻ.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, thị trường chứng khoán Việt Nam đến nay đã có sự phát triển vượt bậc so với những năm đầu mở cửa, nhưng tỷ lệ huy động vốn qua thị trường chứng khoán còn rất thấp. Mức độ đa dạng hóa của hàng hóa trên thị trường còn kém làm cho mức biến động trên thị trường cao. Trong khi đó, hiện nay nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế khá lớn, lãi suất huy động của ngân hàng giảm, lãi suất trái phiếu chính phủ giảm sâu là điều kiện rất thuận lợi để phát triển việc huy động nguồn vốn từ thị trường chứng khoán trong bối cảnh mới.

Cơ hội còn rất lớn

Đánh giá về việc mở rộng việc huy động vốn từ thị trường chứng khoán, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cơ hội phát triển để cân bằng thị trường vốn cho doanh nghiệp ở Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, kỷ nguyên mới đòi hỏi những nỗ lực nâng tầm quản trị doanh nghiệp cũng như tính chuyên nghiệp của cộng đồng nhà đầu tư và khả năng điều hành thị trường vốn của cơ quan quản lý. Ông Cấn Văn Lực dự báo, con người và công nghệ sẽ là hai đột phá cho sự phát triển tới đây trên thị trường vốn Việt Nam.

Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), 20 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam có những bước phát triển lớn, phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, còn cần nhiều nỗ lực để chúng ta đạt được những mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán tới đây.

“Chính vì vậy, việc nâng hạng thị trường chứng khoán không phải là câu chuyện và nỗ lực của riêng ngành chứng khoán hay cơ quan quản lý thị trường chứng khoán. Động lực nâng hạng thị trường, chính là các doanh nghiệp đại chúng. Chỉ khi doanh nghiệp minh bạch, tuân thủ kỷ luật công bố thông tin; quen và thực thi chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), phát triển bền vững, sẽ là hạt nhân để phát triển nội lực thị trường chứng khoán, là cái gốc của nâng hạng”, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, thị trường vốn với nòng cốt là thị trường chứng khoán hoạt động công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường sẽ giúp nâng cao tính cạnh tranh, vận hành thị trường theo xu hướng và thông lệ quốc tế. Đồng thời, cũng từng bước chuyển từ cơ chế quản lý thị trường cổ phiếu dựa trên chất lượng sang công bố thông tin đầy đủ; tiến tới thành lập sàn giao dịch chuyên biệt cho các doanh nghiệp và đa dạng phương thức định giá cổ phần chào bán ra công chúng. Từ đó mở rộng cơ hội gọi vốn cho các doanh nghiệp.

Cũng theo ông Đặng Quyết Tiến, cùng với đó, Bộ Tài chính sẽ thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp để trở thành thị trường quan trọng cùng với thị trường cổ phiếu là kênh huy động chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của doanh nghiệp.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh Ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh Ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

(HQ Online) - SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất 2024”. Tín dụng xanh tại SHB 2023 tăng trưởng ấn tượng so với năm 2022, qua đó, khẳng định vị thế là một trong số các ngân hàng TMCP tư nhân tích cực cho vay xanh tại Việt Nam.

Đọc nhiều