Lo nhũng nhiễu, tiêu cực về thủ tục lắp đặt điện mặt trời mái nhà
Cần có cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Ảnh: ST |
Góp ý cho Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc đăng ký điện mặt trời mái nhà không liên kết với điện lưới quốc gia nhưng dự thảo Nghị định vẫn yêu cầu phải thực hiện thủ tục đăng ký với UBND cấp tỉnh.
VCCI cho rằng, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, quy định này là không cần thiết bởi đây thường là những trường hợp lắp các tấm pin mặt trời nhỏ, không gây bất kỳ tác động tiêu cực nào đến an toàn lưới điện, cũng không bị giới hạn về tổng công suất nên không cần Nhà nước phải quản lý bằng một thủ tục hành chính về điện lực.
Ngoài ra, đối với các thủ tục khác để quản lý về mặt an toàn công trình xây dựng hay phòng cháy chữa cháy, VCCI cho rằng đã có các thủ tục tương ứng. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ theo hướng điện mặt trời mái nhà không liên kết với điện lưới quốc gia không cần làm thủ tục đăng ký phát triển.
Dự thảo Nghị định cũng đang quy định theo hướng điện mặt trời mái nhà liên kết với điện lưới quốc gia bị giới hạn công suất 2.600MW theo Quy hoạch điện VIII. VCCI đánh giá, quy định như vậy chưa thực sự phù hợp nên đề nghị sửa đổi quy định theo hướng, chỉ trường hợp điện mặt trời mái nhà có phát lên lưới mới bị giới hạn bởi tổng công suất 2.600MW theo quy định tại Quy hoạch điện VIII.
Về điều kiện chấp thuận, cấp phép, Dự thảo quy định doanh nghiệp, người dân phải nộp hồ sơ xin phép đến UBND cấp tỉnh trước khi thực hiện lắp đặt điện mặt trời mái nhà.
“Thủ tục hành chính này chưa có quy định rõ ràng về trường hợp nào sẽ được chấp thuận, trường hợp nào không. Điều này có thể tạo ra sự tùy tiện trong quá trình thực thi, dễ dẫn đến nhũng nhiễu, tiêu cực”, VCCI đánh giá. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung này minh bạch, rõ ràng.
Mặt khác, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc. Các thủ tục hành chính về xây dựng, phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường đối với điện mặt trời mái nhà vẫn chưa thực sự rõ ràng và được áp dụng khác nhau tại các địa phương.
Ví dụ, đối với thủ tục xây dựng, có địa phương coi điện mặt trời mái nhà là công trình xây dựng, nhưng có nơi coi đây là thiết bị lắp thêm, nên áp dụng các thủ tục khác nhau. Đối với thủ tục phòng cháy chữa cháy, có nơi không hỏi ý kiến Sở Công Thương, có nơi cơ quan phòng cháy chữa cháy chủ động hỏi Sở Công Thương, có nơi cơ quan phòng cháy chữa cháy lại yêu cầu doanh nghiệp phải đi hỏi Sở Công Thương...
Theo các doanh nghiệp, một trong những biện pháp quan trọng nhất để phát triển điện mặt trời mái nhà là cần có quy định rõ ràng, minh bạch, áp dụng thống nhất các thủ tục hành chính để doanh nghiệp và người dân có thể áp dụng một cách thuận lợi. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm chính sách về việc rà soát các quy định pháp luật trong các lĩnh vực khác có liên quan.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Chính phủ yêu cầu ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu.
Ý kiến bạn đọc