Lãnh đạo Techcombank “khoe” tăng trưởng tốt, cổ đông “buồn lòng” về cổ tức
Tham vọng lãi đậm, Techcombank vẫn “nhất quyết” không chia cổ tức | |
Techcombank lãi cao 6 tháng nhờ “ăn đậm” lãi vay | |
Khách hàng bức xúc vì ngân hàng điện tử của Techcombank liên tục “tê liệt” |
Ngày 23/4, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022.
ĐHĐCĐ của Techcombank. Ảnh: H.Dịu |
Lợi ích cổ tức của cổ đông bị “ngó lơ”
Trình bày tại Đại hội, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank cho hay, năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 27.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2021. Kế hoạch lợi nhuận này được đặt ra trên cơ sở hạn mức tín dụng tăng 15% hoặc hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép, dự kiến đạt tối thiểu 446.554 tỷ đồng vào cuối năm. Năm 2021, ngân hàng đặt mục tiêu tín dụng tăng 9% song thực tế tăng hơn 22%.
Với mục tiêu lợi này, năm nay, Techcombank sẽ tụt xuống vị trí thứ 3 về lợi nhuận toàn hệ thống, đứng sau Vietcombank và VPBank.
Đáng chú ý, tại ĐHĐCĐ năm nay, Techcombank tiếp tục không chia cổ tức, toàn bộ lợi nhuận chưa phân phối được giữ lại nhằm bổ sung vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Trong khi tính đến cuối năm 2021, sau khi trích lập các quỹ, nguồn lợi nhuận chưa phân phối lũy kế của ngân hàng hiện lên tới hơn 40.000 tỷ đồng.
Chính vì thế, tại Đại hội, nhiều cổ đông đã lên tiếng bày tỏ “bức xúc” vì tính đến nay đã là 11 năm, Techcombank không chia cổ tức (trừ năm 2018 là năm duy nhất Techcombank chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông trước thềm niêm yết lên sàn HoSE), trong khi mệnh giá cổ phiếu TCB của ngân hàng này không tăng trưởng như kỳ vọng.
Trên thị trường, cổ phiếu TCB của Techcombank đã giảm 13,4% kể từ đầu năm và giảm hơn 18% kể từ giữa tháng 2/2022, thuộc nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất dòng ngân hàng. Chưa kể, không chia cổ tức cho cổ đông, nhưng Techcombank lại miệt mài phát hành cổ phiếu thưởng cho nhân viên, nhưng đối tượng thụ hưởng thật sự lại chủ yếu là các lãnh đạo cấp cao.
“Theo kết quả đã được HĐQT Techcombank trình bày, tôi thấy đẹp và rất đẹp rồi, có thể nói là “như mơ”. Vậy không biết Techcombank muốn mơ đến đâu và trong giấc mơ đó có nghĩ đến lợi ích cổ đông hay không?”, một cổ đông đặt câu hỏi.
Trả lời về vấn đề này, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho rằng, Techcombank có quan điểm nhất quán về phát triển kinh doanh. Hiện chỉ số ROE (tỉ suất lợi tức trên vốn chủ sở hữu) ở mức 20%, nên đây là khoản đầu tư tốt với các nhà đầu tư cá nhân. Đặc biệt, vị này nhấn mạnh, quan trọng là cổ phiếu có “sức bền” tốt, thị trường hiểu giá trị thật.
Tuy nhiên, lộ trình chia cổ tức hay không còn phụ thuộc vào sự phát triển của ngân hàng. Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho rằng, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu ở thời điểm này là không cần thiết. Bởi chia cổ tức bằng cổ phiếu có thể làm giá cổ phiếu hạ ngay lập tức, cổ đông thì phải trả thêm thuế thu nhập cá nhân.
Ngoài ra, hiện NHNN hay các tổ chức quốc tế đều đánh giá dựa trên vốn chủ sở hữu của ngân hàng chứ không phải vốn điều lệ, chỉ ngoại trừ một số chỉ số cần theo dõi về vốn điều lệ như mạng lưới, số chi nhánh. Do đó, Techcombank sẽ điều chỉnh vốn điều lệ đảm bảo nhu cầu phát triển kinh doanh của ngân hàng.
Techcombank không có vấn đề về tín dụng, trái phiếu bất động sản
Đánh giá về các động thái nhằm minh bạch thị trường tài chính, thị trường bất động sản của Chính phủ và các cơ quan chức năng thời gian qua, đại diện lãnh đạo Techcombank cho rằng đây là điều cần thiết để thanh lọc thị trường. Tuy nhiên, lĩnh vực bất động sản vẫn có điều kiện để thúc đẩy phát triển.
Trả lời băn khoăn của cổ đông về chất lượng cho vay bất động sản, bởi Techcombank có tỷ trọng cho vay bất động sản cao nhất hệ thống và vừa có động thái “siết” tín dụng mảng này, ông Hồ Hùng Anh khẳng định, trong 5 năm qua, ngân hàng không có một vấn đề gì với cho vay bất động sản. NHNN đã có nhiều cuộc làm việc, kiểm toán, thanh kiểm tra Techcombank về lĩnh vực này nhưng không phát hiện sai phạm.
Ngoài ra, Techcombank còn là ngân hàng nắm giữ khối lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất hệ thống với hơn 62.000 tỷ đồng cuối năm 2021. Nhưng lãnh đạo Techcombank khẳng định, ngân hàng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp như một khoản vay trung dài hạn với các quy trình thẩm định, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ. Các dự án mà Techcombank đầu tư hay hợp tác đều đầy đủ giấy tờ hợp lệ.
Bên cạnh đó, ông Jens Lottner cho biết, năm 2021, danh mục cho vay bất động sản với các doanh nghiệp lớn tại Techcombank giảm 5%, ngân hàng chú trọng vào bán lẻ, cho vay tiêu dùng bất động sản… Techcombank cũng sẽ phát triển hệ sinh thái giúp đa dạng hoá thu nhập, tối ưu hoá tiềm năng tăng tưởng.
Ý kiến bạn đọc