Làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị từ Ấn Độ?
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Gautam Adani, Chủ tịch tập đoàn Adani. Ảnh: VGP |
Đáng chú ý, Gautam Adani - một trong những tỉ phú có ảnh hưởng nhất Ấn Độ, đã công bố dự định đầu tư 2 tỉ USD xây dựng cảng Liên Chiểu tại Đà Nẵng.
Cảng này sẽ không chỉ góp phần cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng hàng hải của Việt Nam mà còn đóng vai trò là nút quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Khoản đầu tư phù hợp với mục tiêu chiến lược của Việt Nam là trở thành trung tâm logistics ở Đông Nam Á.
Ngoài việc phát triển cảng, Tập đoàn Adani còn bày tỏ quan tâm đến việc tham gia vào giai đoạn 2 của sân bay quốc tế Long Thành và mở rộng sân bay Chu Lai.
Trong một diễn biến đầy hứa hẹn khác, BDR Pharmaceuticals - tập đoàn dược phẩm hàng đầu Ấn Độ, đặt mục tiêu thành lập cơ sở sản xuất thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam.
Theo TS. Majo George, một giảng viên cấp cao người Ấn Độ đang giảng dạy ngành Quản trị chuỗi cung ứng và logistics tại Đại học RMIT Việt Nam, những dự án này đánh dấu bước tiến quan trọng trong mối quan hệ kinh tế và chiến lược ngày càng khăng khít giữa hai quốc gia.
Theo ông, hợp tác ngày càng sâu rộng giữa Ấn Độ và Việt Nam không phải là một hiện tượng mới mà là sự tiếp nối quan hệ lịch sử lâu đời. Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016 đã củng cố hơn nữa mối quan hệ này, thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm giáo dục, khoa học và công nghệ và quốc phòng.
TS. Majo George cũng nêu, trong bối cảnh Việt Nam đang tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào các lĩnh vực kinh tế truyền thống, chuyên môn và kinh nghiệm của doanh nghiệp Ấn Độ có thể đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi này. Dòng vốn đầu tư và công nghệ của Ấn Độ sẽ không chỉ hỗ trợ cơ sở hạ tầng của Việt Nam mà còn mở đường cho việc chuyển giao kiến thức, phát triển kỹ năng và đổi mới.
Nên theo các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội to lớn để tận dụng những khoản đầu tư hiện tại và tương lai từ Ấn Độ.
Nhưng để tham gia một cách hiệu quả vào chuỗi giá trị và hệ sinh thái do doanh nghiệp Ấn Độ thiết lập, TS. Majo George khuyến nghị, doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động tham gia liên doanh và liên minh chiến lược với doanh nghiệp Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cơ sở hạ tầng, dược phẩm, nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ…
Doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng thế mạnh về sản xuất và dịch vụ của mình để bổ trợ cho hoạt động đầu tư của Ấn Độ.
Đặc biệt, với tiềm năng thị trường rộng lớn của Ấn Độ, các công ty Việt Nam nên tìm hiểu cơ hội xuất khẩu, đặc biệt là trong những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh. Các doanh nghiệp có thể xem xét đầu tư vào các chương trình đào tạo và hội thảo với chuyên gia Ấn Độ để xây dựng năng lực, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và đổi mới hiệu quả…
Ý kiến bạn đọc