Làm gì để chuỗi cung ứng phát triển bền vững, vươn ra biển lớn

(HQ Online) - Chuỗi cung ứng bền vững đang là một khái niệm được chính quyền, các doanh nghiệp, các nhà kinh tế đặc biệt quan tâm trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường, phức tạp. Làm thế nào để phát triển chuỗi cung ứng bền vững đã được các chuyên gia mổ sẻ tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Logistics Việt Nam - Hướng tới chuỗi cung ứng bền vững” do làng Công nghệ Logistics tổ chức ngày 7/10/2021.
Làm gì để chuỗi cung ứng phát triển bền vững, vươn ra biển lớn
Các diễn giả tại tọa đàm trực tuyến “Logistics Việt Nam - Hướng tới chuỗi cung ứng bền vững” do làng Công nghệ Logistics tổ chức sáng 7/10/2021

Đại dịch không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng ở thị trường quốc tế và nội địa. Ở nước ta, những quy định phòng chống dịch tại nhiều điểm chốt đã khiến việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều hạn chế, chuỗi cung ứng cũng vì vậy mà tắc nghẽn.

Khi chuỗi cung ứng hoạt động kém hiệu quả thì các doanh nghiệp logistics cũng bị ảnh hưởng. Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết, sản lượng vận tải của ngành logistics trong 6 tháng đầu năm 2021 so với năm 2020 không kém là bao. Nhưng đến tháng 7, tháng 8, sản lượng bị giảm sút nghiêm trọng do các hạn chế trong quá trình vận chuyển, đồng thời bị thiếu hụt một phần lực lượng lao động.

Trong bối cảnh khó khăn đó, các doanh nghiệp logistics vẫn không ngừng nỗ lực hàn gắn lại chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy do dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp cũng đã nhận ra những điểm yếu kém của hệ thống logistics đang tồn tại, kịp thời điều chỉnh hoạt động của mình cho phù hợp với trạng thái bình thường mới.

Chuỗi cung ứng truyền thống đang được chuyển dần sang chuỗi cùng ứng số và doanh nghiệp cũng đang thích nghi dần với chuỗi cung ứng mới này

Theo TS. Nguyễn Văn Hợp, Trưởng khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp - Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP.HCM, trước đây, chuỗi cung ứng chỉ tập trung vào tốc độ, chi phí, thời gian, đúng số lượng và chất lượng thì ngày nay cần tạo ra một chuỗi không chỉ hiệu quả về mặt kinh tế mà còn cần chú trọng đến yếu tố môi trường và xã hội - con người.

Đặc biệt, sau khi xã hội bước vào “trạng thái bình thường mới”, nhu cầu vận chuyển tăng vọt và đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp logistics. Do vậy, các doanh nghiệp cần chuẩn bị kế hoạch duy trì và phát triển hoạt động, tránh nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động sau thời gian dài giãn cách xã hội và đặc biệt là nguồn lực tài chính để ổn định, phục vụ cho dịch vụ kinh doanh.

Giải pháp cho phát triển chuỗi cung ứng bền vững

Theo các chuyên gia, để phát triển chuỗi cung ứng bền vững thì ngoài việc đáp ứng được cho các hoạt động kinh tế thì cần phải quan tâm tới các yếu tố khác như hoạt động thân thiện với môi trường; đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, kiến thức, đảm bảo phúc lợi, điều kiện làm việc, sức khỏe,... để không chỉ làm tốt trong nội địa mà còn vươn ra thế giới.

Ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ - Thương mại Việt Nam tại Mỹ nhận định, trong bối cảnh kinh tế phát triển trở lại, chi phí logistics có xu hướng sẽ tăng cao. Với quy mô nền kinh tế nhập khẩu lớn như Mỹ, khi các nền kinh tế khác phục hồi thì hàng hóa bị dồn ứ tại đây, tình hình này nghiêm trọng hơn khi Mỹ thiếu các lao động về logistics. Trong bối cảnh đó, các doanh logistics Việt muốn mở rộng thị trường xuất khẩu đến Hoa Kỳ, điều quan trọng nhất là công tác liên kết chuỗi giữa các bộ phận trong cả quá trình phân phối, theo đó logistics cần kết nối người tiêu dùng đến người sản xuất.

Bà Cao Cẩm Linh, Trưởng làng Công nghệ Logistics, Giám đốc Chiến lược Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel cho rằng, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần đáp ứng đủ 6 yếu tố để phát triển chuỗi cung ứng bền vững ra thị trường quốc tế: Đầu tiên là nguồn lực tài chính.

Thứ hai là nguồn nhân lực ngành logistics chất lượng cao còn yếu và thiếu, cần sự vào cuộc của các hiệp hội, trường, viện,... trong việc nâng cao kiến thức cho đội ngũ này.

Thứ ba là năng lực quản trị toàn diện, người lãnh đạo doanh nghiệp cần biết cách đối phó với các thay đổi của xã hội, tránh khỏi những rủi ro lớn.

Thứ tư là năng lực công nghệ, nếu không ứng dụng chuyển đổi số một cách kịp thời thì chúng ta sẽ mất đi cơ hội để bứt phá tăng trưởng với quốc tế.

Thứ năm là năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp cần phải nâng cao ý thức để không bị mất thị trường trên chính sân nhà.

Cuối cùng là năng lực về tuân thủ, doanh nghiệp muốn hội nhập thì cần có quy tắc, quy chuẩn, quy trình bài bản theo quy chuẩn quốc tế.

Bà Linh nhấn mạnh, bên cạnh logistics nông nghiệp thì logistics nông thôn cũng cần được quan tâm phát triển. Nếu logistics nông nghiệp chỉ đề cập tới một chiều tiêu thụ nông sản thì logistics nông thôn là một quá trình hai chiều, vừa giúp bà con tiêu thụ nông sản, vừa cung cấp nguyên vật liệu cho sản xuất và đời sống ở nông thôn, qua đó tạo nên một hệ sinh thái khép kín và góp phần duy trì bền vững cho chuỗi cung ứng nông sản.n

Ông Lê Duy Hiệp cho rằng, Chính phủ cần điều chỉnh các quy định vận tải để giúp cho chuỗi cung ứng được thông suốt trong bối cảnh biến động hiện nay, hướng tới việc xây dựng “logistics đô thị” trong tương lai. Các doanh nghiệp logistics kỳ vọng được cơ quan chính quyền hỗ trợ về hành lang pháp lý, thuế, trong giai đoạn khó khăn để có thể đảm bảo nhiệm vụ phát triển chuỗi cung ứng bền vững.

Ngoài ra, việc phát triển nguồn nhân lực ngành logistics chất lượng cao có môi trường thực hành và được cọ xát với các dự án thực tế là vô cùng quan trọng.

Một vấn đề khác được bà Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam - Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TPHCM nhấn mạnh, chuyển đổi số đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với logistics để đảm bảo sự bền vững. Việc ứng dụng công nghệ, nguồn lực hạ tầng và nguồn lực nhân sự đều cần được quan tâm phát triển để có thể phát triển những chuỗi cung ứng bền vững, phục vụ đúng nhu cầu của đúng khách hàng, vào đúng thời điểm và ở đúng nơi.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Hành trình định vị thương hiệu THILOGI

Hành trình định vị thương hiệu THILOGI

(HQ Online) - Với sự tập trung không ngừng vào việc nâng cấp và hoàn thiện mô hình logistics chất lượng cao, THILOGI đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tại miền Trung, Tây Nguyên, Nam Lào và Bắc Campuchia tối ưu hóa chuỗi cung ứng, từ đó gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đọc tiếp

Khai trương Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - Quận 8

Khai trương Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - Quận 8

(HQ Online) - Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chính thức khai trương Bệnh viện Đa khoa tại Quận 8 có địa chỉ 316C Phạm Hùng, phường 5, quận 8, TPHCM. Đây là bệnh viện thứ tư trong hệ thống, mang đến dịch vụ khám chữa bệnh chuyên sâu, hiện đại cho người dân khu vực phía Tây Nam TPHCM, miền Tây Nam Bộ và các tỉnh lân cận.

Đọc nhiều