Không can thiệp trực tiếp vào chính sách lương, thưởng của doanh nghiệp nhà nước

(HQ Online) - Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang quy định theo hướng doanh nghiệp tự quyết định chính sách tiền lương, tiền thưởng, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp.
Phân công rõ ràng, phân cấp mạnh cho quản lý vốn tại doanh nghiệp nhà nước Gỡ vướng cho nguồn lực nhà nước và doanh nghiệp phát huy tối đa Các tập đoàn, tổng công ty tăng doanh thu và lợi nhuận
Không can thiệp trực tiếp vào chính sách lương, thưởng của doanh nghiệp nhà nước
Toạ đàm về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tại toạ đàm lấy kiến cho dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được Bộ Tài chính tổ chức vào chiều 29/7/2024, ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng Chính sách tổng hợp, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, để đảm bảo mục tiêu, yêu cầu về phân công rõ, phân cấp mạnh, dự thảo Luật quy định theo hướng Nhà nước quản lý vốn đầu tư thông qua cơ quan đại diện sở hữu vốn, cơ quan đại diện sở hữu vốn chịu trách nhiệm quản lý vốn đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý vốn đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là cần thiết.

Trong đó, liên quan đến quản trị doanh nghiệp ông Long cho hay, dự thảo Luật không quy định các nội dung quản trị của doanh nghiệp và chỉ quy định quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư.

Về quyền của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư thì xác định chính sách tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp theo nguyên tắc doanh nghiệp tự quyết định chính sách tiền lương, tiền thưởng, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp.

Đồng thời xác định tiền lương, tiền thưởng được gắn với nhiệm vụ, điều kiện sản xuất kinh doanh, ngành nghề, tính chất hoạt động, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường. Trường hợp doanh nghiệp thực hiện khoán chi phí tiền lương, tiền thưởng trong quỹ lương đảm bảo nguyên tắc gắn với kết quả, hiệu quả quản lý, sử dụng và vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tại toạ đàm, theo ông Đặng Ngọc Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, dự thảo đang quy định tiền lương, tiền thưởng của người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên được chi từ lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập với các quỹ, thì điều này chưa phù hợp với thực tế. Bởi người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên trực tiếp điều hành sản xuất doanh nghiệp nên theo pháp luật về thuế thì tiền lương, thù lao là một trong những chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ttrao đổi về vấn đề này, ông Bùi Tuấn Minh, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng, dự thảo Luật không quản lý vấn đề lương thưởng của người quản lý doanh nghiệp, mà chỉ quản lý lương thưởng của người do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn cử, giới thiệu, thuê làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp. Ngoài ra, nguồn tiền lương, tiền thưởng được chi trả từ nguồn lợi nhuận sau thuế, trường hợp lợi nhuận sau thuế không đủ thì được chi trả từ Quỹ Đầu tư phát triển tại doanh nghiệp tương ứng với phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, nếu thiếu Quỹ thì được bố trí từ dự toán chi ngân sách nhà nước của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn.

Theo ông Minh, dự thảo Luật đã tính toán 3 tình huống để chuẩn bị nguồn tiền lương, tiền thưởng cho người đại diện cơ quan chủ sở hữu.

Ngoài ra, một vấn đề được nhiều doanh nghiệp đưa ra tại toạ đàm là về phân phối lợi nhuận, theo đại diện Tổng công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC, theo thông lệ của công ty cổ phần, công ty niêm yết thì trích theo tỷ lệ của lợi nhuận sau thuế dành cho quỹ thưởng và phúc lợi, nên dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn về tỷ lệ % để thống nhất cho doanh nghiệp thực hiện.

Về nguyên tắc phân phối lợi nhuận, ông Ngô Xuân Phú, Thành viên HĐTV Tổng công ty Vận tải Hà Nội đề nghị những khoản chi tiền lương cho người đại diện được cơ quan chủ sở hữu cử xuống hoặc thuê kiểm toán báo cáo tài chính… được đưa vào chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp.

Nói thêm về vấn đề này, ông Hà Quý Sáng, Trưởng phòng Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính Hà Nội cho rằng, chế độ tiền lương, tiền lương cho người đại diện của cơ quan chủ sở hữu cần đưa vào chi phí hoạt động thực tế của doanh nghiệp, không thể lấy từ Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp, do đây là quỹ trích theo % lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp, nên sẽ có sự bất cập khi chi lương giữa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp dưới 100% vốn nhà nước.

Về tỷ lệ phân phối vào Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp, ông Sáng cho rằng không nên quy đinh mức trích lập 100%, bởi nguyên tắc phân phối lợi nhuận sau thuế là phải hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động, nên để lại một phần lợi nhuận cho doanh nghiệp tái đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời đảm bảo cơ chế để người lao động hưởng thành quả thông qua các quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi...

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều