Hướng tới thực thi có hiệu quả thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam

(HQ Online) - Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, việc tính thuế TNDN bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) trong thực thi thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) cho phép giảm trừ giá trị tài sản hữu hình và tiền lương khi tính lợi nhuận tính thuế bổ sung. Điều này thể hiện quan điểm của quy định về thuế TTTC là khuyến khích hoạt động đầu tư thực chất hiện hữu tại quốc gia nhận đầu tư thông qua sự tồn tại của tài sản hữu hình và nhân công.
Thuế tối thiểu toàn cầu có tác động trọng yếu tới các doanh nghiệp thuộc phạm vi áp dụng Khẩn trương hoàn thiện Nghị định về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu theo đúng lộ trình Tìm giải pháp “đột phá” trong thu hút FDI khi Việt Nam thực thi thuế tối thiểu toàn cầu
Hướng tới thực thi có hiệu quả thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam
Quang cảnh Hội thảo.

Thách thức chuyển quy định thành hệ thống pháp luật trong nước

Ngày 7/5, dưới sự bảo trợ của Bộ Tài chính, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) phối hợp với Trung tâm thuế và Đầu tư quốc tế (ITIC) đã tổ chức hội thảo quốc tế: "Thực hiện trụ cột 2 thuế tối thiểu toàn cầu ở Việt Nam".

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực VAFIE cho biết, ngày 29/11/2023, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Hiện tại, Bộ Tài chính đang xây dựng nghị định của Chính phủ nhằm hướng dẫn thực thi Nghị quyết này.

Tại hội thảo, ông Jonathan Pemberton, chuyên gia cấp cao của Trung tâm Đầu tư và Thuế quốc tế (ITIC) cho biết, phạm vi áp dụng trụ cột 2 thuế tối thiểu toàn cầu là các công ty đa quốc gia (MNEs) lớn có doanh thu 750 triệu euro trở lên (tức là những công ty đã được yêu cầu hoàn thành báo cáo theo từng quốc gia).

Mục tiêu là các MNEs phải trả mức thuế suất hiệu dụng (effective tax rate -ETR) tối thiểu 15% cho tất cả lợi nhuận; lợi nhuận, lỗ và thuế do các thực thể khác nhau trả ở mỗi khu vực tài phán được hợp nhất.

Bên cạnh đó, các cơ sở thường trú (permanent establishments) được coi là các thực thể độc lập để đảm bảo rằng lợi nhuận của chúng nằm trong phạm vi áp dụng. Khi mức thuế suất hiệu dụng đã nộp nhỏ hơn 15% thì phải nộp thuế bổ sung để nâng mức thuế suất lên 15%.

Hướng tới thực thi có hiệu quả thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh phát biểu tại Hội thảo.

Ông Jonathan Pemberton cũng cho biết, thách thức mà các quốc gia đang phải đối diện là việc thấu hiểu quy định và chuyển quy định thành hệ thống pháp luật trong nước, đảm bảo sự tương thích với OECD. Đối với Việt Nam, sẽ cần cơ chế, quy trình về pháp lý để thực hiện quy định, tuy nhiên sẽ phù hợp hơn nếu điều chỉnh chúng bằng văn bản dưới luật.

Khuyến khích hoạt động đầu tư thực chất hiện hữu

Chia sẻ tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh, việc ban hành chính sách thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu tại Việt Nam là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.

Việc áp dụng các quy định về thuế TTTC mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới, trong đó, ngoài việc tăng thu NSNN, còn góp phần tăng cường hội nhập quốc tế, hạn chế hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.

Chính vì thế, ngày 29/11/2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 107 về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Theo đó, Việt Nam áp dụng 2 quy định là thuế TNDN bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) và quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR).

Lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định, việc tính QDMTT cũng sẽ cho phép giảm trừ giá trị tài sản hữu hình và tiền lương khi tính lợi nhuận tính thuế bổ sung. Điều này thể hiện quan điểm của quy định về thuế TTTC là khuyến khích hoạt động đầu tư thực chất hiện hữu tại quốc gia nhận đầu tư thông qua sự tồn tại của tài sản hữu hình và nhân công.

Đồng thời, số thuế QDMTT sẽ được xác định bằng 0 trong một năm tài chính nếu doanh thu bình quân theo quy định về thuế TTTC tại Việt Nam dưới 10 triệu EUR; và thu nhập bình quân theo quy định về thuế TTTC tại Việt Nam dưới 1 triệu EUR hoặc lỗ.

Đối với quy định IIR, để xác định số thuế bổ sung công ty mẹ phải nộp tại Việt Nam, quy định IIR cũng xuất phát từ việc xác định thuế bổ sung tại từng nước nhận đầu tư. Thuế bổ sung tại từng nước được xác định như đã quy định tại Điều 4 nêu trên.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định, theo thứ tự ưu tiên trong áp dụng quy định thuế TTTC, các quốc gia được ưu tiên áp dụng quy định QDMTT để giành quyền đánh thuế trước các quốc gia áp dụng quy định IIR. Do đó, khi xác định thuế bổ sung tại Việt Nam theo quy định IIR, các tập đoàn sẽ được trừ đi số thuế đã nộp theo quy định QDMTT tại nước nhận đầu tư.

Sau đó, thuế bổ sung tại một nước sẽ được phân bổ cho từng đơn vị hợp thành có thu nhập tại nước này. Cuối cùng, thuế phân bổ cho công ty mẹ từ thuế bổ sung của đơn vị hợp thành chịu thuế suất thấp sẽ được xác định bằng số thuế bổ sung của đơn vị hợp thành chịu thuế suất thấp nhân với tỷ lệ phân bổ cho công ty mẹ đối với đơn vị hợp thành chịu thuế suất thấp.

Tương tự như QDMTT, số thuế bổ sung theo IIR sẽ được xác định bằng 0 nếu đáp ứng đồng thời điều kiện về doanh thu bình quân và thu nhập bình quân hoặc lỗ.

Được biết, theo kế hoạch, trong tháng 5-6/2024, dự thảo Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết số 107 được lấy ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội, cơ quan liên quan và đối tượng chịu sự tác động.

Tháng 7/2024, cơ quan soạn thảo sẽ tổng hợp, nghiên cứu, giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện và gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp; và dự kiến tháng 10/2024 Nghị định sẽ được ban hành.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đọc nhiều