Hợp tác nhà trường - doanh nghiệp cho mục tiêu 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao

(HQ Online) - Trong bối cảnh hiện nay, liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là xu thế tất yếu, để vừa đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo của nhà trường, vừa tạo nguồn nhân lực chất lượng đầu vào của doanh nghiệp.
Phải chuẩn bị nhân lực cho "đại bàng công nghệ hạ cánh và đẻ trứng vàng" Đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu, đặt hàng của doanh nghiệp Giải bài toán “khát” nguồn nhân lực bán dẫn, vi mạch
VNPT Technology
Sinh viên và đoàn công tác tham quan, trải nghiệm tại VNPT Technology.

Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, trong năm 2023 vẫn còn hạn chế là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa chuyển biến rõ nét.

Vì thế, Chính phủ đã đề ra yêu cầu phải đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp mới nổi, sản xuất chíp, bán dẫn.

Trong đó, giải pháp là phải chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ. Tiếp tục thực hiện quyết liệt đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đẩy nhanh xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030; thực hiện tự chủ giáo dục đại học; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp...

Chính phủ cũng đặt ra nhiệm vụ xây dựng cơ chế trọng dụng nhà khoa học và thí điểm chính sách ưu đãi đặc thù. Khẩn trương ban hành và triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Đề án Phát triển nguồn nhân lực bán dẫn; phấn đấu đến năm 2030 có 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chíp bán dẫn.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, trong hệ thống đổi mới sáng tạo, các trường đại học, cao đẳng, trường nghề... đóng vai trò trụ cột, tiên phong đi đầu thông qua việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy khoa học - kỹ thuật thông qua hoạt động chuyển giao tri thức, ứng dụng công nghệ mới, tăng cường khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo...

Trên thực tế thời gian qua, với những định hướng này, việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến, nhiều nhà trường đã ký kết hợp tác theo "đơn đặt hàng" với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để liên kết, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chẳng hạn, mới đây, tại Tổ hợp Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính viễn thông (VNPT Technology) phối hợp cùng Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội (HNCC) và đoàn công tác của Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) đã tổ chức buổi tham quan trải nghiệm nghề nghiệp cho đoàn 100 học sinh sinh viên ngành Tin học ứng dụng, điện - điện tử của trường HNCC.

Đây là hoạt động thường xuyên được VNPT Technology tổ chức cùng nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thủ đô nhằm tạo cơ hội cho sinh viên trải nghiệm thực tế, tham quan tìm hiểu về doanh nghiệp và môi trường làm việc trong tương lai.

Hay tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT), hàng năm, nhà trường tuyển sinh từ 1.500-2.000 sinh viên, trong đó chú trọng hợp tác với doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp công nghệ cao...

Theo ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch HANSIBA, việc kết nối doanh nghiệp với nhà trường là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, vừa góp phần tạo công ăn việc làm cho sinh viên ra trường và gia tăng nguồn lực tài chính từ sự hỗ trợ của doanh nghiệp, vừa giúp doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp. Tuy nhiên, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo cần đưa ra các kế hoạch đào tạo bài bản cùng sự hỗ trợ kết nối từ các hiệp hội và cơ quan quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều