Đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu, đặt hàng của doanh nghiệp

(HQ Online) - Đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu và “đặt hàng” của doanh nghiệp là giải pháp hữu hiệu để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao trước những cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phải chuẩn bị nhân lực cho "đại bàng công nghệ hạ cánh và đẻ trứng vàng" Hỗ trợ đổi mới, sáng tạo từ hợp tác giữa doanh nghiệp với nhà trường Khởi động chương trình đào tạo nhân tài công nghệ
Hà Nội phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74,2%. Ảnh: H.D
Hà Nội phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74,2%. Ảnh: H.D

Tiêu biểu tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) đang nỗ lực hợp tác với các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề để đào tạo sinh viên theo nhu cầu đặt hàng cụ thể từ phía các doanh nghiệp.

Chẳng hạn, với Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT), hàng năm, nhà trường tuyển sinh từ 1.500-2.000 sinh viên với các ngành nghề mà thị trường và doanh nghiệp đang có nhu cầu, nhất là để đáp ứng nhu cầu cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp công nghệ cao. Ngược lại, các doanh nghiệp nâng cao khả năng hợp tác với nhà trường bằng việc đầu tư cơ sở, trang thiết bị, đưa các chuyên gia giỏi tham gia với nhà trường từ khâu xây dựng chương trình, giáo trình, tổ chức đào tạo, đánh giá sinh viên…

Tương tự, tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội - cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố Hà Nội, nhà trường cũng tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp nhằm phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ…

Tại buổi lễ công bố quyết định về công tác cán bộ đối với Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà đã đề nghị nhà trường xác định ngành nghề đào tạo mũi nhọn, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của địa phương và xã hội, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động Thành phố.

Đặc biệt, trong 11 thành viên Hội đồng trường được thành lập có sự tham gia của thành viên là doanh nghiệp, hiệp hội cũng như viện nghiên cứu. Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Thường trực HANSIBA khẳng định, việc tham gia vào Hội đồng giúp thuận lợi cho việc kết nối doanh nghiệp hội viên với nhà trường, góp phần tạo công ăn việc làm cho sinh viên ra trường và giúp doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo cần đưa ra các kế hoạch đào tạo một cách bài bản, những chế độ đãi ngộ cũng như hợp tác đầu tư cơ sở đào tạo một cách phù hợp và cần có sự kết nối với cơ quan quản lý.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 73/KH-UBND triển khai thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024. Theo đó, UBND TP Hà Nội đặt chỉ tiêu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp sẽ thực hiện đào tạo cho 235.000 lượt người (cao đẳng 26.000 người, trung cấp 30.000 người, sơ cấp và dưới 3 tháng 179.000 người). Hà Nội phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74,2%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 54%.

Thực hiện mục tiêu này, một trong những giải pháp quan trọng được Thủ đô đưa ra là đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu, đặt hàng của doanh nghiệp cũng như tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa “nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp” trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh sự tham gia của các doanh nghiệp vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều