Hoàn thành phê duyệt tái cơ cấu, sắp xếp Vinapaco và Vinacafe trước 31/10
Một cơ sở sản xuất của Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe). |
Cụ thể, tại Chỉ thị về thúc đẩy công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp theo kết luận của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoàn thành phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) và trình Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch sắp xếp đối với Vinacafe, bảo đảm hoàn thành trước ngày 31/10/2024.
Tiến độ sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp còn chậm, còn nhiều vướng mắc, đến nay vẫn còn 95 công ty chưa hoàn thành sắp xếp, đổi mới (chiếm 37%) tại 24 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 2 tổng công ty. Một số công ty nông, lâm nghiệp sau sắp xếp, đổi mới, hoạt động chưa hiệu quả, chưa đạt mục tiêu ban đầu, phải tiếp tục sắp xếp lại; còn nhiều điểm nghẽn tác động tiêu cực tới kết quả sắp xếp, đổi mới và phát triển các công ty nông, lâm nghiệp chưa được xử lý triệt để, đặc biệt là vấn đề liên quan xử lý đất đai… |
Cùng với nhiệm vụ trên, Chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan khẩn trương trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định cơ chế hỗ trợ công ty nông, lâm nghiệp giải thể mất khả năng thanh toán; bổ sung vốn điều lệ đối với công ty nông, lâm nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trong quý 3/2024.
Trường hợp cơ chế, chính sách hướng dẫn vượt thẩm quyền Chính phủ, Bộ Tài chính cần khẩn trương nghiên cứu xây dựng Đề án trình Ban Cán sự đảng Chính phủ, báo cáo Bộ Chính trị để kịp tiến độ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội muộn nhất vào kỳ họp Quốc hội thứ 9, bảo đảm có căn cứ pháp lý thực hiện trong năm tài chính 2025.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và ban hành một số cơ chế có liên quan để tháo gỡ khó khăn trong quá trình sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp như: chính sách đầu tư và phát triển rừng; vướng mắc phát sinh từ giao khoán trước đây dẫn tới chưa có căn cứ xử lý dứt điểm, bảo vệ quyền lợi người dân được giao khoán với doanh nghiệp, cổ đông trong doanh nghiệp đã cổ phần hóa hoặc chuyển sang công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên...
Sau sắp xếp, đổi mới, đã có một số tập đoàn, tổng công ty như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) …, hoạt động kinh doanh có hiệu quả, đã tạo việc làm cho người lao động.
Ý kiến bạn đọc