Hàng hoá không thiếu, doanh nghiệp bán lẻ lo nhất cấp giấy đi đường

(HQ Online) - Hàng hoá tại nhiều hệ thống bán lẻ lớn trên địa bàn TP. Hà Nội luôn dồi dào, giá cả ổn định. Tuy nhiên, khi Hà Nội thực hiện giãn cách theo 3 phân vùng “đỏ, cam, xanh”, điều nhiều doanh nghiệp lo lắng nhất chính là việc cấp giấy đi đường theo quy định mới.
Hà Nội đảm bảo nguồn cung hàng hoá, người dân chỉ nên mua đủ dùng 3 ngày
Infographics: Làm thế nào để được cấp giấy đi đường mới?
Hà Nội: Chốt phương án cấp giấy đi đường
Siêu thị Vinmart tại Khu đô thị Gamuda Gardens (Trần Phú, Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Thanh
Các doanh nghiệp phân phối đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường và dự trữ trong 3 tháng. Ảnh: Nguyễn Thanh

Từ ngày hôm nay 6/9/2021, Hà Nội triển khai giãn cách theo 3 phân vùng “đỏ, cam, xanh”, kéo dài đến hết ngày 21/9/2021.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc BRG Retail (thuộc Tập đoàn BRG) cho biết, những ngày qua hệ thống siêu thị BRG Market, Hapro Mart lượng khách đến mua hàng ổn định, không tăng đột biến.

Trước thời điểm ngày 6/9/2021, hệ thống siêu thị đã tích trữ tại các điểm bán, siêu thị lên gấp 3 lần và tập kết hàng tiêu dùng thiết yếu ở tổng kho tại Hà Nội tăng 5 lần. Đối với mặt hàng tươi sống như rau, củ, thịt, cá..., các siêu thị đã đặt hàng tăng gấp 2 lần.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan ngay sáng nay 6/9/2021, ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc Vận hành VinMart Miền Bắc cho biết, đáp ứng với yêu cầu phòng chống dịch bệnh khi TP. Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo phân vùng, hệ thống VinMart/VinMart+ đã chuẩn bị các phương thức cung ứng hàng hóa phù hợp.

Cụ thể như, xe tải vận chuyển hàng hóa thiết yếu hoạt động bình thường theo luồng xanh. Nhân viên của hệ thống sẽ hoạt động theo phân vùng 1 - 2 - 3, bao gồm cả làm việc và vận chuyển các đơn hàng online đến người dân.

Tại các vùng cách ly y tế, VinMart/VinMart+ đã chuẩn bị các phương án để cán bộ nhân viên thực hiện “3 tại chỗ” tại siêu thị/cửa hàng đảm bảo cung cấp hàng hóa xuyên suốt và kịp thời đến người tiêu dùng.

Đáng chú ý, về giấy đi đường theo quy định mới, hệ thống đã nhanh chóng gửi danh sách nhân viên cần được cấp giấy đi đường lên Sở Công Thương TP. Hà Nội.

“Chúng tôi mong muốn Sở Công Thương TP. Hà Nội và Công an TP. Hà Nội nhanh chóng hoàn thiện việc cấp giấy đi đường để hoạt động di chuyển của cán bộ nhân viên từ nhà đến địa điểm làm việc và giao hàng online không bị gián đoạn”, ông Khúc Tiến Hà nhấn mạnh.

Đại diện một số doanh nghiệp phân phối khác khi trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan phân tích thêm, về cơ bản nguồn cung hàng hoá không có vấn đề gì vì doanh nghiệp đều chủ động được nguồn hàng.

Tuy nhiên, trong đợt giãn cách đặc biệt chia theo 3 phân vùng của Hà Nội từ ngày 6/9/2021, giấy đi đường là vấn đề khá khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến điều phối hàng hoá của doanh nghiệp để cung ứng cho người dân.

Hàng hoá đều phải tập trung qua các chốt kiểm soát để vào Hà Nội. Hiện nay, Hà Nội chia ra 3 phân vùng “đỏ, cam, xanh”. Sở Công Thương Hà Nội đã cho triển khai khá nhanh trên Cổng thông tin của Sở những biểu mẫu, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp vẫn vướng nhất là vấn đề cấp giấy đi đường mới do công an phụ trách.

“Ngoài ra, shipper giao hàng cũng cần cấp giấy đi đường mới, điều kiện đi kèm là phải xét nghiệm âm tính vài ngày 1 lần. Các chi phí này làm đội thêm chi phí cho doanh nghiệp, gây khó khăn nhất định”, đại diện một doanh nghiệp bán lẻ cho biết.

Trong bối cảnh hiện tại, hầu hết các đơn vị bán lẻ đều đề xuất cần linh hoạt áp dụng quy định, linh động vài ngày để các doanh nghiệp đủ thời gian chuyển đổi sang giấy đi đường mới.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi tạm phải đóng cửa nhưng chính quyền và hệ thống phân phối đã triển khai các hình thức cung ứng hàng hóa đa dạng đến người dân, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định.

Các doanh nghiệp phân phối đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường và dự trữ trong 3 tháng; chủ động đưa hàng về các kho trong thành phố. Các cơ sở chế biến tăng công suất để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối (có doanh nghiệp tăng 200%). Đến nay, đã có gần 1.000 doanh nghiệp, hợp tác xã sẵn sàng cung ứng cho Hà Nội. Nhờ đó, hàng hóa dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong mọi tình huống, giá cả cơ bản ổn định.

Về lưu thông hàng hóa, thành phố đã xây dựng phương án huy động và điều động phương tiện vận chuyển hàng hóa trên địa bàn. Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã duyệt cấp mã QR Code đăng ký cho các xe tham gia vận chuyển cung ứng hàng hóa.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Doanh nghiệp quy mô càng nhỏ thì mức độ lạc quan càng suy giảm

Doanh nghiệp quy mô càng nhỏ thì mức độ lạc quan càng suy giảm

(HQ Online) - Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp tại báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2023 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, chỉ 27% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh năm 2024 và 2025, giảm mạnh so với mức 35% của năm 2022 và thấp hơn mức đáy năm 2012-2013.

Đọc nhiều