Giảm phát thải - tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp

(HQ Online) - Với các doanh nghiệp, việc trao đổi tín chỉ carbon sẽ giúp có thêm công cụ để giảm phát thải, nâng cao thương hiệu và lợi thế cạnh tranh, nên vấn đề “xanh hoá” năng lượng trong sản xuất cần có sự quan tâm phù hợp hơn.
Doanh nghiệp châu Âu cam kết hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi kinh tế xanh Tháo gỡ nút thắt trong chuyển đổi xanh: Biến phát triển bền vững thành động lực tạo giá trị “Mảnh ghép” quan trọng cho chuyển đổi xanh

Chia sẻ tại hội thảo với chủ đề “Xanh hóa” năng lượng trong sản xuất với giải pháp bền vững cho tương lai do Công ty Cổ phần Phát triển năng lượng xanh Intech Việt Nam (Intech Energy) tổ chức vào ngày 27/9, ông Lý Đức Tài, Phó Viện trưởng Viện khí nhà kính Việt Nam cho biết, doanh nghiệp tham gia vào giao dịch tín chỉ carbon có thể nâng cao thương hiệu như một tổ chức có trách nhiệm xã hội và có ý thức về môi trường; đồng thời qua đó thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các giải pháp giảm phát thải, trong khi giá tín chỉ carbon có thể tăng cao trong tương lai.

Đồng thời, để tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, nhất là với các doanh nghiệp xuất khẩu, việc kiểm kê phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp là yêu cầu cần tuân thủ, có tính chất bắt buộc đối với các cơ sở có mức phát thải cao nằm trong danh mục quy định.

Giảm phát thải - tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp
Hội thảo: “Xanh hóa” năng lượng trong sản xuất với giải pháp bền vững cho tương lai.

Nói về thực tế doanh nghiệp, ông Trần Văn Nhơn, Tổng giám đốc Intech Energy cho hay, nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng lớn, trong khi nguồn cung từ năng lượng truyền thống gặp nhiều hạn chế nên chi phí điện năng của doanh nghiệp tăng cao, làm tăng chi phí đầu vào. Hơn nữa, Chính phủ và các tổ chức quốc tế đang siết chặt các quy định về phát thải khí nhà kính, buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh quy trình sản xuất và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.

Theo ông Lý Đức Tài, các doanh nghiệp cần lắp đặt các giải pháp về năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Chẳng hạn như lắp đặt hệ thống năng lượng tái tạo hoặc mua bán điện sản xuất từ năng lượng tái tạo theo cơ chế DPPA (mua bán điện trực tiếp); thay thế dây chuyền lạc hậu, thiết bị cũ tiêu hao năng lượng lớn bằng các mẫu tiết kiệm năng lượng; triển khai hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa mức tiêu thụ năng lượng.

Thực tế cho thấy, hiện nhiều doanh nghiệp đang sử dụng hệ thống điện mặt trời trong sản xuất, kinh doanh, qua đó vừa tiết kiệm chi phí vừa đáp ứng các yêu cầu về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.

Các chuyên gia và doanh nghiệp nhận định, Việt Nam có lợi thế về điều kiện tự nhiên như ánh sáng mặt trời và gió, vì vậy các doanh nghiệp sản xuất có thể xem xét việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà hoặc đầu tư vào các dự án năng lượng gió.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thách thức và rào cản cho các doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng sạch là vấn đề về vốn do chi phí đầu tư ban đầu ở mức cao, thiếu chính sách và cơ chế hỗ trợ rõ ràng từ phía Chính phủ, đồng thời thiếu công nghệ và kinh nghiệm.

Ông Trần Văn Nhơn cho biết, Công ty đã xây dựng hệ sinh thái năng lượng sạch bao gồm có phân phối và sản phẩm thiết bị điện mặt trời, lĩnh vực đầu tư dự án điện mặt trời, lĩnh vực mua bán tín chỉ carbon… qua đó giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, lan tỏa nguồn năng lượng xanh trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu xuất khẩu hàng hóa ra thế giới.

Theo bà Ivy Lee, đại diện Công ty Jolywood Solar (Công ty con của Tập đoàn Jolywood Group – Trung Quốc), các doanh nghiệp cần tìm kiếm những giải pháp hiện đại để vừa cho sản lượng cao hơn vừa giải quyết bài toán về kinh tế, tài chính.

Hơn nữa, ông Lý Đức Tài khuyến nghị cần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng về giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi xanh; đồng thời xây dựng chính sách, cơ chế tài chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào cơ chế mua bán tín chỉ carbon...

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Masan Group trao 100 tỷ hỗ trợ chương trình "Mái ấm cho đồng bào tôi"

Masan Group trao 100 tỷ hỗ trợ chương trình "Mái ấm cho đồng bào tôi"

(HQ Online) - Ngày 5/10/2024, Tập đoàn Masan đã trao 100 tỷ hỗ trợ cho tỉnh Lào Cai trong khuôn khổ chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi” do Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức.

Đọc nhiều