Giải quyết tranh chấp trong hợp đồng xây dựng, giảm nợ đọng vốn
Với các doanh nghiệp, tranh chấp khi thực hiện các hợp đồng xây dựng điều không mong muốn của các bên và hầu hết nhà thầu nói chung đều chủ trương giải quyết mọi tranh chấp phát sinh bằng con đường hòa giải thiện chí. Việc sử dụng giải pháp tố tụng để xử lý tranh chấp là giải pháp cuối cùng khi các bên không thể nào tìm được tiếng nói chung.
Đặc biệt, những vướng mắc, tranh chấp trong việc thực thi hợp đồng xây dựng còn dẫn đến tình trạng nợ đọng xây dựng.
Theo các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhà thầu xây dựng, chưa có thống kê chính thức về tình trạng, giá trị và tỷ lệ nợ đọng xây dựng là bao nhiêu, nhưng thực tế, hầu hết nhà thầu đã từng hoặc đang tồn tại các khoản nợ khó đòi, phải trích dự phòng nợ xấu. Hiện nay, nhiều nhà thầu rơi vào tình trạng khó khăn tài chính, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, thậm chí giải thể, phá sản. Trong khi đó, nhiều dự án đã bán hết sản phẩm, chủ đầu tư đã thu đủ tiền, thậm chí lãi lớn, lấy tiền đi đầu tư dự án khác, nhưng vẫn không trả tiền cho các nhà thầu.
Tình trạng này dẫn đến hậu quả là các nhà thầu không dám mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ, thiết bị, sa thải người lao động, thu hẹp phạm vi cung cấp, thậm chí không nhận phần cung cấp thiết bị, vật liệu mà chỉ cung cấp nhân công, làm nhà thầu phụ cho Thầu chính hoặc các công ty nước ngoài.
Do đó, tại hội thảo: “Vướng mắc, rủi ro pháp lý và giải pháp cho nhà thầu xây dựng Việt Nam” được Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) tổ chức ngày 12/5, trong khuôn khổ Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2023 (VAW2023), các chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp khi hoạt động cần chú ý đến việc xây dựng hợp đồng xây dựng cũng như giải quyết tranh chấp trong hợp đồng xây dựng.
Đại diện Ban tổ chức và doanh nghiệp tham dự chương trình. |
Theo TS. Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VACC, hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Tính đặc thù hợp đồng xây dựng còn thể hiện ở tính đặc thù của sản phẩm xây dựng – sản phẩm chưa có trước sẽ được hình thành trong tương lai - sản phẩm mang tính đặc biệt và tổng hợp, sản xuất không theo một dây chuyền sản xuất hàng loạt, mà có tính cá biệt.
Vì thế, các doanh nghiệp đã nêu lên một số nguyên nhân chính gây tranh chấp trong hợp đồng xây dựng. Chẳng hạn như sai phạm do khảo sát, thiết kế không cẩn thận, chủ đầu tư đề xuất các yêu cầu vượt quá phạm vi hợp đồng, tự ý thay đổi thiết kế; thi công không đúng thiết kế, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng; rủi ro từ việc gia hạn tiến độ thi công… cùng với đó là tác động từ bên ngoài như biến động giá, thay đổi chính sách pháp luật…
Theo Luật sư Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VIAC, có nhiều phương thức giải quyết tranh chấp trong hợp đồng xây dựng, trong đó sử dụng trọng tài và hòa giải đang nhận được nhiều sự quan tâm.
Theo thống kê từ VIAC, trong giai đoạn 2013-2022, số vụ tranh chấp xây dựng được VIAC thụ lý chiếm 40% tổng giá trị các vụ việc, với tổng giá trị tranh chấp xây dựng lên tới gần 20.800 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2018-2022, số vụ việc tranh chấp xây dựng giải quyết bằng hòa giải lên tới 15 trên tổng số 37 vụ, với tổng giá trị hơn 1.040 tỷ đồng.
Cùng với việc tìm giải pháp giải quyết tranh chấp, theo đại diện Công ty Cổ phần Vinaconex, doanh nghiệp xây dựng nên phòng ngừa từ sớm bằng việc nâng cao chất lượng soạn thảo hợp đồng, cố gắng lường hết các phát sinh, tranh chấp trong quá trình thực hiện; sử dụng các từ ngữ rõ ràng, đơn nghĩa để tránh việc các bên lợi dụng để phạt vi phạm hợp đồng.
Đặc biệt, vị này kiến nghị xây dựng văn hóa ngang bằng giữa các chủ thể hợp đồng, cần loại bỏ văn hóa chủ đầu tư “cao hơn” nhà thầu.
Cũng về vấn đề này, TS. Dương Văn Cận nhấn mạnh, mọi vướng của hợp đồng xây dựng mắc suy cho cùng là từ các quy định dưới luật không thống nhất, chồng chéo làm khó cho doanh nghiệp, vì vậy kiến nghị Quốc hội thống nhất ban hành Luật Hợp đồng để có văn bản pháp luật thống nhất cao nhất.
Ngoài ra, để giảm tình trạng nợ đọng xây dựng, đại diện Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings kiến nghị, bổ sung bổ sung điều khoản về bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư; bổ sung yêu cầu chủ đầu tư ký quyết toán với nhà thầu xây dựng trước khi nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng đưa vào sử dụng, tránh tình trạng chủ đầu tư cố tình kéo dài quá trình thanh toán để chiếm dụng vốn.
Ý kiến bạn đọc