Phòng ngừa rủi ro trong hợp đồng xây dựng
Việt Nam được đánh giá là đang có sự phát triển bùng nổ trong lĩnh vực xây dựng và cơ sở hạ tầng. Ngành xây dựng Việt Nam tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, các dự án lớn về cơ sở hạ tầng, kể cả trong đầu tư công, hợp tác công tư hay đầu tư tư nhân đang có sự gia tăng…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh những cơ hội trong ngành xây dựng thì cũng luôn tiểm ẩn các rủi ro, xung đột, các tranh chấp từ các hoạt động này.
Tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), mỗi năm có khoảng 20% các vụ việc là các vụ việc phát sinh trong hoạt động xây dựng, bao gồm các tranh chấp liên quan đến cơ sở hạ tầng và đầu tư, chiếm hơn 90% tổng giá trị tranh chấp hàng năm.
Hội thảo “Phòng ngừa rủi ro trong biên soạn, thương thảo và quản lý hợp đồng xây dựng". Ảnh: HD |
Tại Hội thảo với chủ đề: “Phòng ngừa rủi ro trong biên soạn, thương thảo và quản lý hợp đồng xây dựng" do VIAC phối hợp với Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam tổ chức vào ngày 10/10/2024, các chuyên gia cho rằng, hợp đồng xây dựng luôn tồn tại vô số rủi ro tiềm ẩn.
Theo GS.TS. Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch VIAC, tranh chấp xây dựng vô cùng phức tạp, nếu kéo dài sẽ gây tổn hại rất lớn cho sự tăng trưởng kinh tế.
Bởi chỉ cần một vụ tranh chấp lớn vài trăm triệu USD đã làm cho mạch vốn lưu thông - chuyển hóa từ vốn sang hạ tầng và từ hạ tầng sang vốn sẽ bị đình trệ.
Do đó, GS.TS. Hạnh cho rằng, giải quyết tốt tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng đặc biệt có ý nghĩa quan trọng, vì rủi ro vẫn có thể kiểm soát được bằng những công cụ và trong đó có hợp đồng xây dựng.
Các ý kiến cho rằng, trong đàm phán vào soạn thảo hợp đồng, các doanh nghiệp cần hiểu rõ các nội dung cơ bản của hợp đồng, bao gồm các nghĩa vụ, hậu quả của việc không tuân thủ nghĩa vụ, phân bổ rủi ro.
Đồng thời cần có quy định rõ ràng và đầy đủ mọi vấn đề trong hợp đồng, bao gồm các chi tiết về dự án, các kết quả xây dựng cần đạt được và các thời hạn hoàn thành. Đồng thời lưu ý tới quy trình khiếu nại và điều khoản giải quyết tranh chấp để đảm bảo hiệu lực pháp lý và hiệu quả khi cần áp dụng…
Ông Hồ Ngọc Sơn, Phó Cục trưởng Cục kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho hay, thực hiện hợp đồng xây dựng cần một môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch để tránh sự tranh chấp và phù hợp với thông lệ quốc tế. Nên thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện thể chế pháp luật trong đó có pháp luật về hợp đồng xây dựng.
Ý kiến bạn đọc