Gia tăng độ tín nhiệm khi xanh hóa dòng vốn trong hoạt động ngân hàng

(HQ Online) - Khi tham gia thị trường vốn xanh, các ngân hàng sẽ có thêm động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế chưa phục hồi.
Hợp tác chiến lược trong lĩnh vực tín dụng xanh Tín dụng xanh cho doanh nghiệp phát triển bền vững Thiếu cơ sở pháp lý cụ thể cho ngân hàng thẩm định, giám sát khi cấp tín dụng xanh
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu khai mạc Toạ đàm.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu tại Toạ đàm.

Việt Nam cần 368 tỷ USD cho đầu tư phát triển xanh đến năm 2040

Chia sẻ tại Tọa đàm “Trao đổi về xanh hóa ngành ngân hàng - Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang kinh tế carbon tại Việt Nam”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Vì thế, với vai trò là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, ngành ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững.

Theo các chuyên gia, các động lực tăng trưởng truyền thống như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng gặp nhiều khó khăn thì việc phát hiện, khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới hết sức quan trọng, đặc biệt là các động lực như kinh tế số, kinh tế xanh.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam cũng xác định mục tiêu đưa nền kinh tế xanh từ quy mô 6,7 tỷ USD năm 2020 (khoảng 1,95% GDP) lên 300 tỷ USD trong GDP vào năm 2050 (khoảng 10% GDP), trong đó tỷ trọng đóng góp của kinh tế xanh đến năm 2025 là 1,8-2% GDP. Do đó, để thực hiện được mục tiêu trên, Việt Nam cần dựa vào rất nhiều nguồn vốn: đầu tư công, viện trợ nước ngoài, đầu tư nước ngoài, kiều hối, trái phiếu xanh, tín dụng xanh…, trong đó, vốn tín dụng xanh giữ vai trò hết sức quan trọng.

Theo thông tin từ Tổ chức tài chính quốc tế (IFC), ước tính từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần đầu tư bổ sung 368 tỷ USD (khoảng 6,8% GDP mỗi năm) cho lộ trình chống chịu và lộ trình phát thải ròng bằng 0. Trong đó, dự báo nguồn vốn thực hiện sẽ là nguồn vốn tư nhân (184 tỷ USD), nguồn vốn công (130 tỷ USD), còn lại là nguồn vốn quốc tế.

Bà Pushkala Lakshmi Ratan - chuyên gia khí hậu cao cấp, Khối Định chế Tài chính (IFC) cho biết, thị trường tài chính xanh đang ngày càng tăng trưởng nhanh, trong đó các định chế tài chính là tổ chức phát hành trái phiếu xanh chủ yếu trên thị trường mới nổi. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn chưa đạt mức khoảng 1% thị trường trái phiếu toàn cầu. Do đó, còn rất nhiều cơ hội và lợi ích khi mở rộng phát triển tài chính xanh và thị trường trái phiếu xanh.

Hiểu rõ để khai thác tốt cơ hội đầu tư

Với các ngân hàng Việt Nam hiện nay, tín dụng xanh đang rất được chú trọng phát triển. Mới đây, VPBank đã được Tập đoàn Tài chính Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (DFC) cam kết cung cấp khoản vay song phương trị giá 300 triệu USD kỳ hạn 7 năm nhằm hỗ trợ nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ và hỗ trợ các dự án xanh, bền vững tại Việt Nam.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến tháng 6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh mới đạt gần 528.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong số 12 lĩnh vực xanh mà NHNN hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 45%) và nông nghiệp xanh (31%).

Trước VPBank, nhiều ngân hàng lớn của Việt Nam cũng nhận được các khoản vay lớn từ nhiều định chế tài chính nước ngoài nhờ tích cực tham gia tài trợ vốn cho các dự án xanh.

Tại BIDV, ông Phan Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết, ngân hàng đã thành lập Ban Chỉ đạo ESG chuyên trách và Ban Quản lý dự án Tài chính Bền vững. BIDV có chiến lược kinh doanh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 về phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh với các yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro, môi trường và xã hội trong hoạt động tín dụng. BIDV sẽ tập trung cho các dự án về thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, giao thông sạch…

Tính đến thời điểm 30/6/2023, BIDV đã có 1.776 dự án, 1.447 khách hàng. Dư nợ cho các dự án xanh đạt 2,81 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 4,1% tổng dự nợ tại BIDV. Các lĩnh vực đáng chú ý là năng lượng tái tạo; quản lý nguồn nước; quản lý chất thải và ngăn ngừa ô nhiễm và nông nghiệp bền vững.

Còn tại ACB, ông Nguyễn Hiểu Nhân, Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp chia sẻ, ACB đã xây dựng 3 trụ cột chính để thực hiện xanh hoá ngân hàng, gồm: tài trợ vốn, hỗ trợ cho dự án xanh; tài trợ cho tất cả các hoạt động tiết kiệm năng lượng; phát triển các dự án chống biến đổi khí hậu.

Theo các chuyên gia IFC, tổ chức tín dụng tham gia vào tài chính xanh, trái phiếu xanh sẽ giúp tăng độ tín nhiệm của tổ chức phát hành trong việc cạnh tranh tìm kiếm cơ hội với định hướng bền vững; đồng thời khai thác cơ sở nhà đầu tư rộng hơn và xây dựng sản phẩm giá trị gia tăng cao; cùng với đó còn giúp cải thiện các yêu cầu về theo dõi và báo cáo để nắm bắt tốt hơn các tác động tích cực của các hoạt động tài chính môi trường của ngân hàng...

Tuy nhiên, để tín dụng xanh và tài chính xanh phát triển hơn nữa, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà kỳ vọng, các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài hiểu rõ hơn về môi trường pháp lý của Việt Nam trong lộ trình tiến tới nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 và ngành tài chính hướng tới lộ trình tài chính xanh, qua đó, sẽ khai thác tốt hơn các cơ hội đầu tư về khí hậu thông qua ngành tài chính và thị trường vốn trong nước.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều