Đội ngũ doanh nhân là nguồn “nhân lực đặc biệt” cho hiện đại hóa và hội nhập

(HQ Online) - Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục là lực lượng nòng cốt, là động lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.
Lan tỏa hào khí doanh nhân Việt Nam Giúp doanh nhân trẻ tìm cơ hội kinh doanh, xoay chuyển nghịch cảnh Tìm động lực và hướng đi cho doanh nghiệp "đón cơ, tránh nguy"
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HD
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HD

Nhân dịp kỷ niệm 19 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ngày 11/10, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, cách đây 78 năm, khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà vừa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới Công Thương Việt Nam vào ngày 13/10/1945. Với sự quan tâm, ghi nhận của Đảng, Nhà nước dành cho giới doanh nhân, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, từ năm 2004, ngày 13/10 hàng năm đã được chọn là Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Sau hơn 6 tháng phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về doanh nhân, ca khúc “Tự hào Doanh nhân Việt Nam” của nhạc sỹ Phạm Tiến Dũng đã được Ban chấp hành VCCI lấy ý kiến của các Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, để bình chọn là ca khúc truyền thống chung của giới doanh nhân Việt Nam.

Chủ tịch VCCI nêu rõ, hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân cùng với các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), các hợp tác xã… đã tạo thành lực lượng hùng hậu thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, đưa quy mô GDP Việt Nam nằm trong top 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong top 20 của thế giới, sản phẩm Việt Nam tự hào vươn ra thị trường toàn cầu, đồng thời cũng đáp ứng tốt các nhu cầu trong nước, làm cho đời sống nhân dân được cải thiện vượt bậc, GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 4.110 USD, tăng 48 lần so với năm 1986.

Ông Phạm Tấn Công khẳng định, doanh nhân chính là lực lượng nòng cốt giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành đội ngũ doanh nghiệp của đất nước, là lực lượng chủ lực trong xây dựng kinh tế.

“Với số lượng doanh nghiệp hiện nay, đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp đã đạt con số từ 2-3 triệu người, còn nếu tính tất cả những người làm kinh doanh, những hộ kinh doanh cá thể thì đội ngũ doanh nhân có thể đạt tới 10 triệu người. Đây là một nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, có vai trò quan trọng trong thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập của nước Việt Nam thời kỳ mới”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Đặc biệt, ngày 10/10/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Cộng đồng doanh nhân cho rằng, đây là “món quà” hết sức đặc biệt từ Đảng, Nhà nước trong dịp “Tết doanh nhân” năm nay.

Theo ông Phạm Tấn Công, nghị quyết mới của Bộ Chính trị ban hành lần này thay thế cho Nghị quyết 09 được ban hành cách đây 12 năm. Nghị quyết có những nội dung rất mới về quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Đây không chỉ là những nội dung mới mà còn có những giải pháp rất quyết liệt, rất trúng mong đợi của giới doanh nhân và xã hội.

Ngoài ra, cũng tại Hội nghị, các ý kiến của hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh. Kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt về nguồn vốn, thị trường tiêu thụ, sụt giảm các đơn hàng xuất khẩu…

Do đó, bà Vũ Kiều Nữ, Giám đốc Công ty Vũ Kiều nêu kiến nghị về sự ổn định của chính sách, không nên thay đổi nhiều để doanh nghiệp yên tâm kinh doanh, đề ra những chiến lượng lâu dài. Theo bà Nữ, là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nên chính sách về đất đai phải phù hợp và không nên có nhiều thay đổi, nếu không rất khó cho doanh nghiệp hoạt động. Ngoài ra không nên phân biệt giữa các doanh nghiệp với nhau.

Về phía các hiệp hội, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nêu rõ, thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành có nhiều giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp. Nền kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu khởi sắc nên cần tiếp tục động viên, chia sẻ với nhau để cùng phát triển.

Ông Nguyễn Huy Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai đề nghị cần có chính sách để phát triển hơn nữa khu vực trung du và miền núi phía Bắc, kết nối thị trường quốc tế. Ngoài ra, vị này cũng đề xuất cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai được tiếp cận với thị trường Vân Nam (Trung Quốc)...

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đọc nhiều