Doanh nghiệp ưu tiên (AEO): Hiệu quả trong chuỗi cung ứng toàn cầu
DN được hưởng rất nhiều lợi ích khi được công nhận AEO. Trong ảnh: hoạt động sản xuất tại Công ty CP may Sông Hồng - một DN được Tổng cục Hải quan công nhận là DN AEO. Ảnh: H. Nụ |
Lợi ích đôi bên
Việc công nhận các AEO còn được thể hiện trên quy định ở các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đặc biệt, trong các FTA thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTTPP) hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đều có một chương về thủ tục hải quan và các biện pháp tạo thuận lợi thương mại. Theo đó, Việt Nam và các đối tác FTA đồng ý tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hải quan và hỗ trợ hành chính để đảm bảo luật pháp và các thủ tục hải quan tương ứng, đáp ứng các mục tiêu thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại đồng thời đảm bảo hoạt động kiểm soát hải quan hiệu quả.
Ngoài ra, các chuẩn mực quốc tế về hải quan và tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) như thực hiện Công ước HS, Công ước Kyoto sửa đổi (RKC), Khung tiêu chuẩn an ninh và tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (SAFE), quản lý rủi ro, xác định trước, bảo vệ quyền sở hữu thương mại, tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh... được quy định rất chi tiết.
Đánh giá của các tổ chức quốc tế cho thấy, Chương trình AEO đã mang lại rất nhiều lợi ích như: tăng cường kiểm soát an ninh của cơ quan Hải quan; giúp cho việc quản lý chuỗi cung ứng xuyên suốt từ khâu đầu đến khâu cuối. Cụ thể, Chương trình AEO đã đề ra các chuẩn mực giúp cho các cơ quan Hải quan triển khai các vấn đề về hiện đại hóa hải quan nhờ vào các mối quan hệ đối tác với DN, với các cơ quan chuyên ngành và với cơ quan Hải quan các nước. Ngoài ra, Chương trình AEO còn giúp triển khai hệ thống tiếp nhận thông tin trước khi hàng đến cửa khẩu, phân tích rủi ro trước khi hàng đến, thiết lập hệ thống trao đổi thông tin với AEO và các cơ quan quản lý chuyên ngành trong nước với cơ quan Hải quan các nước đối tác một cách thường xuyên, liên tục…
Chương trình AEO được áp dụng tại hơn 100 quốc gia, do đó, việc được công nhận là AEO là một trong những lợi thế cạnh tranh của AEO với các DN thường trong cùng một ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh.
Tại Việt Nam, Chương trình AEO được Tổng cục Hải quan triển khai từ năm 2011. Theo đó, sau 12 năm triển khai, những lợi ích thiết thực mà Chương trình AEO mang lại thấy rõ đối với DN được công nhận là AEO cũng như đối với cơ quan Hải quan. Đồng thời góp phần củng cố và nâng cao mối quan hệ đối tác Hải quan - DN, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài, nâng vị thế quốc gia trong cộng đồng quốc tế và đặc biệt là một chương trình mà cộng đồng DN luôn mong muốn được tham gia.
Tính tới thời điểm này, Hải quan Việt Nam đã công nhận AEO cho 73 DN. Kết quả này là một bước tiến quan trọng làm cơ sở để Việt Nam tiến tới việc đàm phán, ký kết việc công nhận lẫn nhau với cơ quan Hải quan các nước.
Theo các AEO, kể từ khi tham gia chương trình các DN đã được hưởng rất nhiều lợi ích. Thống kê thấy rõ, sau khi được công nhận, DN tiết kiệm được chi phí thủ tục hành chính, phí lưu kho bãi, trung bình từ 1-5 tỷ đồng/năm.
Các DN cũng cho rằng, nếu như trước kia, việc kiểm hóa lô hàng dẫn đến kế hoạch sản xuất bị lùi lại gây ảnh hướng tới kế hoạch giao hàng thì từ khi được công nhận AEO, DN được hưởng nhiều ưu đãi về thủ tục hải quan, từ đó đảm bảo thời hạn giao hàng cho đối tác. Điều này đã giúp uy tín của DN với đối tác tăng lên.
Cùng với đó, việc hưởng ưu đãi đã rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, từ đó giảm chi phí về thủ tục hành chính, giảm chi phí nhân sự bao gồm giảm số lượng nhân viên và thời gian làm việc. Ngoài ra, đối với hàng hóa nhập kinh doanh, doanh nghiệp được thông quan ngay và nộp thuế sau cho các lô hàng đã được thông quan vào tháng trước, do vậy DN tiết kiệm được khoản lãi vay ngân hàng để nộp thuế, chủ động được nguồn vốn kinh doanh.
Còn nhiều hạn chế
Theo đánh giá của cơ quan Hải quan, Chương trình AEO thể hiện sự phát triển và đổi mới của Hải quan Việt Nam. Trong hơn 10 triển khai Chương trình AEO cho thấy những bước tiến không ngừng về cả quy mô và chất lượng, ngày càng tiến sát với Chương trình AEO theo Khung SAFE của WCO. Điều này góp phần nâng cao vị thế của Hải quan Việt Nam, đồng thời thúc đẩy việc ký kết các Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về AEO (MRA) giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh một số thành tựu đáng kể, quá trình triển khai Chương trình AEO cũng đã bộc lộ ra một số hạn chế còn tồn tại.
Thứ nhất, chính sách và căn cứ pháp lý quy định về chế độ ưu tiên chưa đồng bộ với các quy định khác bởi thực tế triển khai có một số quy định chưa thể thực hiện được do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Thứ hai, các AEO của Việt Nam khi được công nhận là AEO còn một số trường hợp vẫn chưa ý thức được trách nhiệm của mình trong việc duy trì và nỗ lực thực hiện cơ chế kiểm soát nội bộ để đảm bảo tuân thủ pháp luật theo quy định. Vẫn còn để xảy ra các sai phạm về thủ tục hải quan, các khuyến nghị của cơ quan Hải quan vẫn chưa được triển khai hoặc triển khai chậm.
Thứ ba, hiện nay, Chương trình AEO của Việt Nam mới chỉ áp dụng đối với các DN có hoạt động XNK, chưa mở rộng ra các đối tượng kinh tế khác tham gia vào chuỗi cung ứng theo khuyến nghị của WCO tại Khung SAFE. Bên cạnh đó, mặc dù văn bản pháp luật có quy định việc áp dụng đối với đại lý hải quan, tuy nhiên, thực tế chưa có đại lý hải quan nào được công nhận là AEO. Nguyên nhân là do chưa có quy định cụ thể về tiêu chí công nhận cũng như chế độ ưu tiên đối với đại lý hải quan.
Thứ tư, số lượng DN được công nhận là AEO còn ít, chỉ chiếm 0,1% so với tổng số 70.000 DN có hoạt động XNK. Nguyên nhân có thể kể đến như: truyền thông về Chương trình AEO còn hạn chế, nhiều DN chưa biết đến chương trình để tham gia; tiêu chí xét duyệt AEO còn cao, đặc biệt là tiêu chí kim ngạch XNK. Điều này làm cản trở sự tham gia của các DN vừa và nhỏ, trong khi Việt Nam đang ghi nhận sự trỗi dậy của các DN vừa và nhỏ. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, số lượng các DN vừa và nhỏ đang chiếm trên 70% so với tổng số DN của cả nước.
Thứ năm, sự hợp tác, phối hợp trong ngành để thực hiện chương trình này còn hạn chế, chưa có sự đầu tư về chiều sâu. Các đơn vị hải quan địa phương còn thực hiện chưa thống nhất.
Thứ sáu, thẩm quyền ký kết MRA với cơ quan Hải quan các nước còn vướng mắc nên chưa phát huy hết tiềm năng của cơ chế AEO. Pháp luật quốc gia chưa quy định cụ thể về thẩm quyền ký MRA về DN AEO trong lĩnh vực hải quan.
Ý kiến bạn đọc