Doanh nghiệp ngành phân bón tiếp tục có cơ hội để "hưởng lợi"

(HQ Online) - Trong năm 2021, giá các loại phân bón đã tăng mạnh do nhu cầu phục hồi sản xuất nông nghiệp, giá nguyên liệu đầu vào và cước vận tải lên cao. Năm 2022, các doanh nghiệp phân bón sẽ tiếp tục được hưởng lợi về giá thành cũng như chính sách thuế mới.
Kinh doanh phân bón không có quyết định công nhận lưu hành bị phạt gần 50 triệu
Giá thép, phân bón “nhảy múa”, chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”
Giá phân bón tiếp tục ở mức cao do tác động chiến sự Nga-Ukraine
Doanh nghiệp ngành phân bón tiếp tục có cơ hội để
Việc gián đoạn nguồn cung ure từ Nga đang mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh minh họa: ST

Cơ hội từ những căng thẳng

Theo báo cáo ngành phân bón mới đây của Công ty Chứng khoán SSI, việc nối lại giao thương giữa Nga và các nước châu Âu sẽ mất nhiều thời gian sau khi xung đột giữa Nga - Ukraine hạ nhiệt. Do đó, giá ure có thể đạt đỉnh trong thời gian này và tạo ra cơ hội đầu tư trong ngắn hạn. Tuy nhiên, giá ure có thể giảm mạnh từ tháng 6 trở đi khi Trung Quốc dần nới lỏng chính sách xuất khẩu và vấn đề thiếu than dần được khắc phục. Với diễn biến này, các chuyên gia của SSI cho rằng, giá ure tại Việt Nam sẽ diễn biến theo xu hướng giá thế giới, tuy nhiên có thể có độ trễ nhất định.

Nói về những tác động tới doanh nghiệp Việt Nam, theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), thế giới sẽ thiếu hụt nguồn cung phân bón nặng nề cho đến khi căng thẳng Nga – Ukraine hạ nhiệt. Bởi Nga là nhà sản xuất và xuất khẩu ure và nitơ hàng đầu thế giới. Nhưng về mặt tích cực, việc gián đoạn nguồn cung ure từ Nga đang mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.

Lý giải cho nhận định này, FAV cho hay, theo công suất thiết kế, nhà máy sản xuất phân ure của Việt Nam gồm 2 nhà máy của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và 2 nhà máy của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có khả năng sản xuất hơn 2,6 triệu tấn. Trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 1,8 triệu tấn/năm. Do đó, các doanh nghiệp có thể ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước và thêm cơ hội cho xuất khẩu. FAV cũng thông tin, trên thực tế, các doanh nghiệp Việt đã nắm bắt được xu thế, điều này được thể hiện trong kết quả kinh doanh những tháng đầu năm 2022.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị chuyển mặt hàng phân bón sang đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất 5%, nhằm tạo ra khấu trừ thuế đầu vào – ra, giúp giảm giá thành. Theo đánh giá của các chuyên gia Công ty Chứng khoán BSC, việc áp thuế sẽ tác động tích cực lên các doanh nghiệp sản xuất phân bón, khi được hoàn thuế đối với nguyên liệu đầu vào.

Trái chiều dự báo lợi nhuận

Với những cơ hội như trên, các doanh nghiệp ngành phân bón đang đứng trước nhiều cơ hội lớn. SSI dự báo, trong 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo – Đạm Phú Mỹ - DPM) và Công ty Cổ phân Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC – Đạm Cà Mau - DCM) có thể đạt tăng trưởng ấn tượng nhờ mức giá urê thấp trong 6 tháng đầu năm 2021. Trong khi đó, lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm 2022 có thể giảm so với cùng kỳ, với giả định rằng tình trạng thiếu than ở Trung Quốc sẽ giảm bớt và nông dân không thể tiếp tục chịu giá phân bón cao.

Tuy nhiên, SSI ước tính lợi nhuận cho DPM và DCM lần lượt đạt 2.798 tỷ đồng giảm 12% và 1.811 tỷ đồng giảm 5% trong năm 2022. Công ty Chứng khoán Mirae cho biết, 2 tháng đầu năm 2022, DPM đạt lợi nhuận trước thuế 1.422 tỷ đồng, tăng đột biến hơn 10 lần so với cùng kỳ; DCM đạt lợi nhuận trước thuế 735 tỷ đồng, tăng 559% cùng kỳ nhờ giá bán và sản lượng tích cực.

Nhưng bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp khác đã đặt kế hoạch lợi nhuận đi lên. Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Phân bón Miền Nam đặt kế hoạch doanh thu đạt 1.750 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 30 tỷ đồng trong năm 2022. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, Công ty sẽ tiếp tục duy trì các thị trường chiến lược, thị trường truyền thống, mở rộng và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước. Đồng thời, Công ty sẽ củng cố và phát triển thị trường mục tiêu, có chính sách hợp lý để phát triển thị trường mới nhưng chưa có kênh phân phối; chú trọng giữ vững thị trường trong nước…

Mặt khác, còn không ít doanh nghiệp phải “ngậm ngùi” đặt kế hoạch lợi nhuận “đi lùi”. Theo báo cáo thường niên năm 2021 của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền (BFC), ban lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến kế hoạch doanh thu đạt 6.428 tỷ đồng, giảm 81,6%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 200 tỷ đồng, giảm 53,9% so với thực hiện năm 2021.

Công ty này lý giải, năm 2022 dự báo sẽ gặp phải nhiều khó khăn thách thức về tình hình dịch bệnh. Hơn nữa, năm nay, dự báo thời tiết khô hạn và xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp gây bất lợi cho ngành phân bón. Dự báo giá cả nguyên liệu sản xuất phân bón NPK tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón NPK. Thị trường của công ty ở nước ngoài cũng chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Trà Dr Thanh trao món quà “khủng” cho một người bán hủ tiếu tại Bình Dương

Trà Dr Thanh trao món quà “khủng” cho một người bán hủ tiếu tại Bình Dương

(HQ Online) - Chị Võ Thị Thúy Hiền, 44 tuổi, hiện là chủ quán hủ tiếu tại TP.Dĩ An (Bình Dương) trở thành khách hàng may mắn nhất trong chương trình “Xé nhãn Trà Dr Thanh, 1 lần trúng x9 lần quà” trong hè năm nay khi trúng Giải Đặc biệt của chương trình với 9 miếng vàng SJC 999.9, mỗi miếng 5 chỉ.
VNVC chủ lực trong chiến dịch tăng tốc độ bao phủ vắc xin sởi cho trẻ em TPHCM

VNVC chủ lực trong chiến dịch tăng tốc độ bao phủ vắc xin sởi cho trẻ em TPHCM

(HQ Online) - Với kinh nghiệm tiêm chủng vắc xin nhiều năm của hệ thống tiêm chủng uy tín hàng đầu, VNVC là đơn vị chủ lực đồng hành Sở Y tế TPHCM tham gia chiến dịch tiêm vắc xin sởi miễn phí cho trẻ em 1-10 tuổi. Bên cạnh đạt chỉ tiêu về độ phủ vắc xin, VNVC đặc biệt chú trọng đảm bảo tiêm chủng an toàn, đạt hiệu quả phòng bệnh cao.

Đọc nhiều