Đề xuất không cấp tín dụng cho cổ đông sở hữu cổ phần vượt giới hạn

(HQ Online) - Dự thảo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các ngân hàng thương mại không được cấp tín dụng hoặc cấp tín dụng mới cho những cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ theo quy định.
Hạn chế “quyền lực” của cổ đông lớn theo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) “Soi” cổ đông ngân hàng sở hữu 1% vốn trở lên Một công ty bảo hiểm nhân thọ sở hữu gần 200 triệu cổ phần của 3 ngân hàng
Đề xuất không cấp tín dụng cho cổ đông sở hữu cổ phần vượt giới hạn
Luật Các TCTD 2024 đã có thay đổi về tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông. Ảnh: ST

NHNN đang dự thảo Thông tư quy định việc ngân hàng thương mại có cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định tại Điều 55 của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14 xây dựng và thực hiện lộ trình để bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật Các TCTD số 32/2024/QH15.

Theo quy định của Luật Các TCTD (sửa đổi), từ ngày 1/7/2024, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải cung cấp cho TCTD các thông tin của cá nhân và người liên quan.

Luật cũng quy định giảm trần tỷ lệ sở hữu ngân hàng nhằm giảm tình trạng sở hữu chéo.

Cụ thể, giới hạn trần sở hữu tại một ngân hàng đối với cá nhân được giữ nguyên ở mức 5%, song một tổ chức không được sở hữu quá 10% vốn điều lệ của TCTD, bao gồm cả sở hữu gián tiếp, thay vì 15% như trước. Cổ đông và người có liên quan cũng không sở hữu quá 15% vốn, thay vì 20% như trước. Cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% vốn điều lệ trở lên của một TCTD khác.

NHNN cho biết, Luật Các TCTD 2024 đã có thay đổi về tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cổ đông, một cổ đông và người có liên quan, thay đổi cách xác định người có liên quan, sở hữu cổ phần gián tiếp. Do vậy, việc xây dựng dự thảo Thông tư trên là cần thiết để các TCTD triển khai thời gian tới.

Dự thảo đã đưa ra yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát danh sách cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ. Thời điểm chốt số liệu để xác định danh sách là đến hết ngày 30/6/2024.

Ngân hàng thương mại cần phối hợp với cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ được xác định xây dựng lộ trình tuân thủ các quy định của Luật Các TCTD.

Về thực hiện lộ trình tuân thủ, dự thảo Thông tư yêu cầu, cổ đông, cổ đông và người có liên quan tại ngân hàng thương mại sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ không được tăng số lượng cổ phiếu nắm giữ tại ngân hàng dưới mọi hình thức cho đến khi đảm bảo tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định, trừ trường hợp nhận cổ phiếu thưởng hoặc cổ tức bằng cổ phiếu.

Hơn nữa, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, TCTD không được cấp tín dụng hoặc cấp tín dụng mới (trong trường hợp đã cấp tín dụng) cho cổ đông, cổ đông trong nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn hoặc người có liên quan của các cổ đông đó.

Cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ chưa được nhận cổ tức bằng tiền mặt (nếu có) đối với số cổ phần nắm giữ vượt giới hạn cho đến khi đảm bảo tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định.

Trước đó, thực hiện theo quy định tại Luật Các TCTD 2024, nhiều ngân hàng đã công bố danh sách cổ đông nắm giữ từ 1% cổ phần trở lên. Chẳng hạn, tại VPBank có 17 cổ đông và người có liên quan sở hữu trên 1% vốn điều lệ; con số này tại Techcombank là 13 cổ đông, OCB là 20 cổ đông, VIB có 18 cổ đông, Kienlongbank có 21 cổ đông...

Trong nhóm Big4 ngân hàng, Vietcombank chỉ có 1 cổ đông tổ chức là Quỹ Đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) sở hữu hơn 1,67% vốn điều lệ; VietinBank có 3 cổ đông tổ chức sở hữu trên 1% vốn điều lệ. Vietcombank và VietinBank không công bố tỷ lệ sở hữu của Nhà nước. Trong khi theo danh sách của BIDV thì cổ đông là NHNN nắm giữ 80,99% vốn điều lệ, cổ đông là Keb Hana Bank và người có liên quan sở gữu 15% vốn điều lệ.

Chiểu theo quy định tại Luật Các TCTD 2024 thì một số ngân hàng đang có cổ đông đang sở hữu tỷ lệ vượt quy định. Chẳng hạn, tại VIB, có 2 cổ đông và người có liên quan sở hữu vượt tỷ lệ theo quy định mới, thậm chí ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT VIB và người có liên quan sở hữu trên 20,2% vốn điều lệ. VIB cũng có 3 cổ đông tổ chức và người có liên quan sở hữu trên 15% vốn điều lệ. Tại ABBank, 2 cổ đông tổ chức là Malayan Banking Berhad (Maybank) và Tập đoàn Geleximco cùng người có liên quan đều sở hữu trên 16% vốn điều lệ. Tại OCB, 6 cổ đông và người có liên quan đang sở hữu trên 15% vốn điều lệ.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Hoạt động báo chí có thể được hưởng ưu đãi thuế 15%

Hoạt động báo chí có thể được hưởng ưu đãi thuế 15%

(HQ Online) - Ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí, lệ phí, Bộ Tài chính cho biết, tại dự thảo Luật thuế TNDN (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đang đề xuất cơ quan báo chí nói chung (ngoài báo in) có thể được hưởng thuế ưu đãi 15%, giảm 5% so với hiện nay.

Đọc nhiều