Doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất cho vay giảm nhờ gói hỗ trợ

(HQ Online) - Trong những tháng tới, dự báo nhu cầu vốn của doanh nghiệp sau dịch kỳ vọng sẽ còn tăng cao nhằm phục vụ nhu cầu phục hồi sản xuất, nên lãi suất cho vay giảm sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.
FED tăng lãi suất, chưa tạo áp lực lên tỷ giá của Việt Nam
Cầu tín dụng tốt hơn, nhưng phải kiểm soát lạm phát
Lãi suất ít biến động, nhưng chu kỳ “tiền rẻ” đã kết thúc

Doanh nghiệp khó đáp ứng được với mức lãi vay cao

Tuy vậy, với không ít doanh nghiệp, việc tiếp cận vốn còn khá nhiều gian nan, từ điều kiện được vay vốn cho đến đáp ứng về lãi suất. Lãnh đạo một doanh nghiệp ngành dệt may cho biết, công ty đang đi vay tại một số ngân hàng với lãi suất cho vay thấp nhất là 5,5%/năm và cao nhất là 6,2%/năm. Nhưng một số doanh nghiệp cùng ngành phải vay vốn với lãi suất lên tới 7-8%/năm, nên trở thành gánh nặng tài chính lớn, nhất là khi ảnh hưởng của tình hình lạm phát và xung đột quân sự Nga - Ukraine khiến giá nguyên vật liệu tăng cao.

Nhận xét về vấn đề này, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, lãi suất ở Việt Nam cao hơn gấp 2-4 lần các nước khác, ở mức 9-10%/năm, bình quân khoảng 8%/năm, trong khi các nước khác chỉ 1%, cao lắm khoảng 4-5%/năm. Vì thế, nhiều doanh nghiệp sẽ khó đáp ứng được mức lãi suất này để vay vốn hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đầu tư.

Doanh nghiệp mong lãi suất cho vay sẽ giảm khi gói hỗ trợ cấp bù lãi suất được thực hiện. Ảnh: Internet
Doanh nghiệp mong lãi suất cho vay sẽ giảm khi gói hỗ trợ cấp bù lãi suất được thực hiện. Ảnh: Internet

Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND phổ biến ở mức 5,5-7,5%/năm đối với ngắn hạn; 7,5-8,5%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) ở mức 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước - NHNN (4,5%/năm).

Mặt bằng lãi suất cho vay ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa từ 7,2-7,5%/năm. Khách hàng doanh nghiệp lớn, khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên có thể tiếp cận khoản vay với giá vốn thấp hơn 1-2%.

Mặc dù thời gian qua, các ngân hàng đã triển khai nhiều nhóm giải pháp như: giảm lãi vay, miễn phí giao dịch, tín dụng ưu đãi… nhưng giảm lãi suất cho vay vẫn là nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Không ít doanh nghiệp đã nhận định, chỉ có gói hỗ trợ bù lãi suất của Chính phủ mới có thể kéo lãi vay giảm và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Giảm thêm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1%

Trong báo cáo cập nhật vĩ mô mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, NHNN đang triển khai gói cấp bù lãi suất với quy mô 3.000 tỷ đồng. Gói này đưa ra mức lãi suất cho vay chỉ 3-4%/năm đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19. Ngoài ra, Chính phủ có kế hoạch mở rộng quy mô gói cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp lên 40.000 tỷ đồng, tập trung vào một số đối tượng ưu tiên.

Nhưng theo VNDirect, tác động thực tế của gói cấp bù lãi suất đối với doanh nghiệp và nền kinh tế có thể thấp hơn nếu các ngân hàng thương mại tăng lãi suất cho vay đối với các khoản vay thông thường khác để bù đắp việc tăng lãi suất huy động. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia kỳ vọng rằng gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng có thể giúp giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung bình từ 0,2-0,4 điểm % trong năm 2022.

Trong thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, để tăng khả năng tiếp cận vốn, ngoài những giải pháp từ ngành ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách khác về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ. Khi hoạt động sản xuất kinh doanh được khơi thông, phương án kinh doanh khả thi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Vừa qua, trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri, NHNN cho biết đã giảm nhanh và mạnh các mức lãi suất điều hành (1,5-2%/năm) ngay trong năm 2020 (thuộc nhóm các ngân hàng Trung ương giảm lãi suất nhanh và mạnh nhất khu vực) và giữ lãi suất điều hành ở mức thấp trong năm 2021 nhằm giảm chi phí tiếp cận vốn từ NHNN, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay.

Đồng thời, cơ quan này cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa các loại chi phí, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và 0,82%/năm trong năm 2021; tổng số tiền miễn giảm lãi, phí, tham gia công tác an sinh xã hội tổng cộng lên tới gần 40.000 tỷ đồng từ chính nguồn lực tài chính của hệ thống tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, NHNN đang triển khai xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.

Với các doanh nghiệp, đây là thông tin đáng mừng. Bởi như ông Đặng Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH Sving chia sẻ, mức lãi suất như trên được duy trì trong vòng 1-2 năm tới sẽ là động lực giúp cho doanh nghiệp tự tin, nhanh chóng áp dụng các công nghệ mới để sản xuất, tạo ra sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu. Nhưng các chính sách này cần sớm có hướng dẫn cụ thể, đúng và trúng đối tượng cần vốn.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Rinh VinFast, khách hàng lãi lớn “trúng lộc vàng”

Rinh VinFast, khách hàng lãi lớn “trúng lộc vàng”

(HQ Online) - Tính đến hết ngày 29/3, 4 khách hàng may mắn đã được thần tài gọi tên trong chương trình “Rước VinFast - Trúng lộc vàng” của hãng xe Việt. Diễn ra chỉ trong 6 ngày (từ 26/3 đến hết 31/3/2024), chương trình “Rước VinFast - Trúng lộc vàng” đang khiến thị trường “sốt rần rần” với cơ hội nhận 5 chỉ vàng khi mua ô tô điện VinFast.

Đọc nhiều