Doanh nghiệp đã chủ động hơn trong hội nhập, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

(HQ Online) - Năng lực hội nhập quốc tế của doanh nhân Việt Nam được cải thiện rõ rệt. Các doanh nghiệp đã chủ động hơn trong việc hội nhập, nhất là việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi trông đợi nhiều vào doanh nghiệp “đầu tàu”
Infographics: 8 tháng, doanh nghiệp FDI xuất nhập khẩu 346 tỷ USD
Room tín dụng đã nới, doanh nghiệp có được giải “cơn khát” vốn?

Chiều 15/9, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW đã có buổi làm việc với đại diện cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân về tình hình thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết 09).

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW phát biểu tại chương trình. Ảnh: H.Dịu
Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: H.Dịu

Phát biểu tại chương trình, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW cho biết, Việt Nam đánh giá, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã mạnh dạn, tạo được đột phá trong quản trị doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh với những dự án đầy tham vọng, vươn xa ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, đã xuất hiện một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp của tư nhân có quy mô, tiềm lực tài chính lớn và quản trị, công nghệ hiện đại, tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như sản xuất ô tô, hàng không, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp...

“Doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang là lực lượng chủ yếu phát huy các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP và khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Bên cạnh đó, doanh nhân còn tham gia ngày càng hiệu quả vào đời sống chính trị của đất nước; tham gia ngày càng tích cực vào quá trình xây dựng, giám sát, phản biện chính sách”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Trong giai đoạn từ 2010-2021, doanh nghiệp hoạt động của cả nước đã tăng 3 lần từ hơn 279 nghìn doanh nghiệp lên gần 860 nghìn doanh nghiệp; vốn và doanh thu thuần cũng tăng lên, lần lượt tăng 14,55%/năm và 11,47%/năm trong giai đoạn này... Nhờ đó, Việt Nam đã có hàng triệu doanh nhân, trong đó đã có 7 tỷ phú. Năng lực hội nhập quốc tế của doanh nhân được cải thiện rõ rệt. Các doanh nghiệp cũng bắt đầu chủ động hơn trong việc hội nhập, nhất là việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đánh giá cao những chỉ đạo, định hướng tại Nghị quyết 09. Theo ông Công, Nghị quyết 09 đã tạo ra sự nhất quán và xuyên suốt về mặt chủ trương, chính sách, hệ sinh thái cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động ngày càng thuận lợi hơn, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện.

“Hầu hết doanh nhân Việt Nam đều có ý thức làm ăn chân chính, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để đổi mới, phát triển. Tuy nhiên, còn một số hạn chế, tồn tại: vẫn còn tình trạng doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp, thiếu trách nhiệm xã hội; văn hóa kinh doanh chưa đồng nhất, thiếu liên kết ... Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng trong đó có nguyên nhân từ hạn chế về đạo đức doanh nhân”, Chủ tịch VCCI nhận định.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đề ra nhiệm vụ phải phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng; khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế; phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%.

Với yêu cầu như vậy, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 09 Trần Tuấn Anh đề nghị, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam không chỉ cần nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước mà còn phải vươn ra tầm khu vực và quốc tế. Các doanh nghiệp cần phát huy hơn nữa tính chủ động, năng lực sáng tạo, linh hoạt để không chỉ phát triển doanh nghiệp do mình làm chủ mà cần tăng cường hợp tác, liên kết với nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng tầm vị thế của doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp cũng đã đề xuất nhiều nhiệm vụ và giải pháp để xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, các doanh nghiệp kiến nghị cần phát huy vai trò của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) trong hình thành và phát triển chuỗi cung ứng; tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển; xây dựng thêm trung tâm xúc tiến thương mại; chú trọng đào tạo nhân lực…

Đại diện Tổ Biên tập tổng kết Nghị quyết 09 cho biết sẽ tiếp thu, chắt lọc các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện báo cáo tổng kết, và đưa vào dự thảo văn bản mới các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Uống trà Không Độ nở rộ niềm vui trúng giải lớn dịp Tết

Uống trà Không Độ nở rộ niềm vui trúng giải lớn dịp Tết

(HQ Online) - Trước áp lực công việc và hàng trăm thứ phải chi tiêu trong những ngày cuối năm, uống Trà Xanh Không Độ mỗi ngày, người tiêu dùng vừa giảm stress vừa có cơ hội trúng 3 giải nhất còn lại, mỗi giải trị giá 250 triệu đồng cùng 9 giải nhì, mỗi giải trị giá 25 triệu đồng và 15 giải ba, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng để có thêm tiền tưng bừng mua sắm, đón Tết đang đến rất gần.

Đọc nhiều